Trước đó, ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi để phục vụ cho Dự án khoảng 5.585,14ha, ảnh hưởng đến 4.864 hộ gia đình với gần 16.000 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 23.049 tỷ đồng, trong đó dự kiến nguồn vốn từ ngân sách trung ương là 21.889 tỷ đồng (chiếm 95% tổng mức đầu tư của dự án); ngân sách trung ương ứng 1.160 tỷ đồng (chiếm 5% tổng mức đầu tư dự án). UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách trung ương theo quy định.
Như vậy, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Dự án cần được tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng.
Ở dự thảo nghị quyết về dự án phục vụ phiên thảo luận toàn thể sáng 13/11 thì tổng mức đầu tư dự án là 22.938 tỷ đồng, dự thảo cũng nêu 2 phương án về nguồn vốn bổ sung, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết:Phương án 1: Bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội và 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu; trường hợp không đủ thì bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.Phương án 2: Ngân sách Trung ương bố trí bổ sung kinh phí 17.938 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện dự án.
Khi triển khai, dự án có tiếp tục tăng vốn đầu tư lên nữa không?
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, hiện ngân sách mới bố trí 5.000 tỷ đồng, còn thiếu 18.000 tỷ đồng. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này đưa ra 2 phương án và theo đại biểu “phương án 1 khả thi hơn”.“Tại sao phương án 1 khả thi hơn vì chính Quốc hội chúng ta cũng đã bấm thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công, trong đó chúng ta có bố trí 80.000 tỷ cho dự án quan trọng quốc gia và kế hoạch 2016 -2020 để thực hiện quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn kế hoạch đầu tư công. Tôi nghĩ chúng ta lấy từ nguồn này bởi vì chúng ta đã trích 55.000 tỷ cho việc xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam ở phía Đông”, đại biểu phân tích.Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) băn khoăn, về tài chính dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành liên tục tăng so với mỗi lần báo cáo, ban đầu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo giải phóng mặt bằng có hơn 13.000 tỷ đồng, sau đó lại báo cáo hơn 18.000 tỷ đồng và đến giờ Chính phủ báo cáo là hơn 23.000 tỷ đồng, mà đây chỉ là con số ước tính, “đến lúc thực tế triển khai có tiếp tục tăng lên nữa hay không?”.Theo đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 26 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đã bố trí 5.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng do dự án Long Thành, nay Chính phủ trình Quốc hội bố trí 23.000 tỷ đồng, như vậy hơn 18.000 tỷ đồng sẽ phải lấy từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết 26 của Quốc hội thì nguồn này chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách Nhà nước đảm bảo kế hoạch. “Trong thời gian này, ngân sách Nhà nước đang hết sức khó khăn, có thể thu không đạt kế hoạch như vậy sẽ khó sử dụng nguồn dự phòng này. Bên cạnh đó, nhiều dự án cũng dự kiến sử dụng nguồn dự phòng thì có đáp ứng được nhu cầu không”, đại biểu băn khoăn.Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, người dân Đồng Nai, đặc biệt là người dân ở Long Thành rất mong muốn dự án này phải sớm thực hiện. Bởi vì, 12 năm gần như là một dự án treo, ngay từ khi đó lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai đã triển khai tất cả những giải pháp để hạn chế tiêu cực xảy ra, trong khi đó dự án chờ đợi quá lâu. “Vì thế, ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến mong muốn với tư cách là một đại biểu tiếng nói của người dân là chúng ta sớm thúc đẩy công trình này đi vào thực tế”, đại biểu bày tỏ.Đại biểu nhắc lại những dự án lớn “đầu chuột đuôi voi” - đưa ra rất đơn giản, nhẹ nhàng nhưng cuối cùng dự án phình ra ghê gớm và bày tỏ mong có sự giám sát triển khai dự án chặt chẽ.Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, bảo đảm chính xác số liệu, thống kê bảo đảm công khai minh bạch, hạn chế phát sinh kinh phí giải phóng mặt bằng, không tạo ra chênh lệch lớn giữa dự án này với các dự án quan trọng khác. Có ý kiến đề nghị có cơ chế quản lý, không để tạo ra trục lợi chính sách; chống tái lấn chiếm đất đai; có chính sách đảo bảo việc làm, ổn định cuộc sống người dân tái định cư...Kết luận tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tóm lược phần thảo luận và giải thích thêm vấn đề đại biểu nêu về đề nghị bố trí vốn từ nguồn các dự án quan trọng quốc gia. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phương án 1 hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 26 của Quốc hội. Nếu sử dụng phương án 2 sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công trung hạn.Về hình thức thông qua nghị quyết, một số đại biểu đề nghị Nghị quyết của Quốc hội nên rà soát lại một số điểm cho hợp lý và nhiều ý kiến bổ sung thêm một số nội dung. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cho Ủy ban kinh tế phối hợp với các cơ quan hữu quan để hoàn thiện lại toàn bộ dự thảo nghị quyết cũng như sẽ có báo cáo giải trình tiếp thu để trình ra Quốc hội để Quốc hội thông qua.