Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng thương hiệu mạnh để không thua trên “sân nhà”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của ông Chu Văn Hồi - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông lâm...

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của ông Chu Văn Hồi - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á (gọi tắt là Công ty Thực phẩm Đông Nam Á) có trụ sở tại quận Hoàng Mai với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trước thềm năm mới 2015 về định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh năm Ất Mùi...

Phải có thương hiệu mạnh

Hoạt động của Công ty vẫn đang ổn định, vì lẽ gì cần phải xây dựng thương hiệu mạnh để phát triển hơn, thưa ông?

- Tôi có nỗi trăn trở day dứt. Cách đây vài năm, đưa hàng đến bếp ăn của một công ty Nhật Bản, tôi phát hiện thực đơn tại bếp ăn đó chia 2 loại: Loại thực phẩm, rau, quả dành cho người Nhật ăn đều ấn định mua hàng ngoại, mà chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan; còn của người lao động Việt ăn thì mua rau, quả của… Việt Nam! Lúc đó, trong lòng tôi tự ái lắm. Song ngẫm ra, họ cũng có lý, nhìn bao bì hàng người Thái ghi thông số đầy đủ (thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng…), còn bao bì của ta có nhưng thua xa họ!… 

Sau này khảo sát, tôi giật mình vì số liệu cho thấy, có đến 80% nguồn thực phẩm dùng cho người nước ngoài nhập từ nước khác và nhiều nhất là từ Thái Lan. Hơn nữa, theo thông tin từ báo chí, năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập, khi AEC ra đời, khoảng 90% dòng thuế quan giữa các nước thành viên sẽ giảm về 0% ngay lập tức (10% dòng thuế còn lại sẽ về 0% trong lộ trình tới năm 2018)… Vì vậy, DN lúc này mà không xây dựng được thương hiệu mạnh cho mình, sẽ thua ngay trên “sân nhà”. 

 
Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á kiểm tra thành phẩm sơ chế đóng gói của đơn vị. 	Ảnh: Kim Toàn
Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á kiểm tra thành phẩm sơ chế đóng gói của đơn vị. Ảnh: Kim Toàn
Sau gần 2 năm nỗ lực, mới đây, Công ty Thực phẩm Đông Nam Á đã bắt tay với DN Nhật Bản hợp tác đầu tư sản xuất rau, củ, quả cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu trong năm 2015…

Ông từng làm xuất khẩu, vì sao không tận dụng bạn hàng truyền thống mà phải là DN Nhật Bản?

- Tôi tìm đến DN Nhật bởi lẽ hàng hóa một khi được người Nhật chấp nhận thì bán cho được nhiều đối tượng có nhu cầu cao về hàng hóa chất lượng cao. Tôi từng làm hàng xuất khẩu đến một thị trường như Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… và nhận thấy hàng Việt Nam được đánh giá rất cao, nên ngoài thị trường trong nước, tôi vẫn hướng tới xuất khẩu và chỉ khi làm được việc này thì mới mở rộng thị trường, giải quyết đầu ra. Nhưng lần này, tôi chú trọng hướng tới xuất khẩu tại chỗ… Bởi vậy, khi đàm phán với DN Nhật Bản, tôi nói với họ: “Chúng tôi không cần tiền (vốn đầu tư) của các ông, mà là hợp tác để cùng phát triển (thực ra là cần thương hiệu của họ) để thực hiện mục tiêu trên. 

Xuất khẩu tại chỗ 

Xin ông nói rõ ý tưởng “xuất khẩu tại chỗ”?

- Ngày 20/9/2014, Công ty Thực phẩm Đông Nam Á và Công ty TNHH Synapse Nhật Bản (gọi tắt là Công ty Synapse) đã ký kết thành lập Liên doanh hợp tác trồng, chế biến rau, củ, quả. Theo đó, hai bên thống nhất xây dựng phương án chuỗi sản xuất - bao tiêu sản phẩm - chế biến - xuất khẩu tại chỗ, với mục tiêu đưa sản phẩm rau, củ, quả vào ngách thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Trong đó, tập trung vào 2 đối tượng là các bếp ăn của công ty nước ngoài và bếp ăn của Đại sứ quán các nước trên địa bàn Hà Nội. 

Về quy mô phương án: Ban đầu chọn 58 hộ trồng rau, với diện tích 13.703m2², trồng 10 loại rau, củ, quả. Từ nay đến tháng 5/2015, hai bên sẽ bắt tay vào những công việc cụ thể: Phía Công ty Synapse cử chuyên gia sang Việt Nam hướng dẫn và đào tạo các hộ dân tham gia vào chuỗi sản xuất của phương án; chuyển giao công nghệ chế biến và bảo quản rau, củ, quả cho Công ty Thực phẩm Đông Nam Á. Trực tiếp thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội để đến với các công ty Nhật đang hoạt động tại Việt Nam và hệ thống siêu thị tại Nhật Bản. Đối với Công ty Thực phẩm Đông Nam Á sẽ tiếp cận đến các bếp ăn của Đại sứ quán các nước tại Hà Nội; ký hợp đồng với các hộ trực tiếp tham gia sản xuất của phương án và trước ngày 15/1/2015, chuẩn bị xong cơ sở vật chất, trường lớp để đào tạo nông dân cho phương án... 

Tiếp đó, từ ngày 20/1 - 30/4/2015, phía Công ty Synapse sẽ cử chuyên gia đến để mở lớp đào tạo và trực tiếp hướng dẫn 58 hộ dân ở phường Lĩnh Nam tham gia vào phương án trên diện tích 10.000m2. Về giống: Ngoài dùng một số giống rau ăn lá (bản địa) truyền thống, sẽ nhập giống bắp cải, súp lơ, su hào, cà chua chịu nhiệt của Nhật Bản. Tổng chi phí cho phương án là gần 1 tỷ đồng, bao gồm chuẩn bị lớp học, kinh phí đào tạo 58 hộ dân (tổng cộng 950 triệu đồng), hỗ trợ phân bón, công làm đất 300.000 đồng/sào. Tháng 5/2015, hai bên sẽ tổng kết và nhân rộng thành chuỗi sản xuất rau theo quy trình Nhật Bản. 

Liên kết “4 nhà”

 Xem ra, mục tiêu của Liên doanh là rất lớn. Vậy, nguồn lực nào để triển khai những nội dung đó, thưa ông?

- Phương châm của tôi là liên kết “4 nhà”: DN - Nhà nước - nhà sản xuất (hộ dân) và nhà đầu tư (Công ty Synapse). Quận Hoàng Mai hội tụ đủ các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thực hiện phương châm này. 

Công ty Thực phẩm Đông Nam Á hiện có cơ sở vật chất gồm 3 xí nghiệp nhà xưởng rộng, hiện đại chế biến các sản phẩm rau an toàn (RAT) tuân thủ đầy đủ các quy định về VSATTP, cùng với đội ngũ hơn 40 cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp, hơn 20 ô tô (loại 500kg) chuyên dụng, xe máy để chuyển hàng đi các nơi trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, Công ty còn có trên 3.000m2 đất tại vùng RAT Thúy Lĩnh, Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), năm 2013 thuê thêm 60.000m2 đất tại Yên Duyên (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) để trồng, sản xuất các loại RAT, trực tiếp phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Công ty… Những thực phẩm, RAT của Công ty đều tuân thủ đầy đủ các quy định về VSATTP, đăng ký thương hiệu, cấp mã vạch… do cơ quan chức năng Nhà nước chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất RAT, cung ứng thực phẩm sạch… Đây là điều kiện rất quan trọng để phát triển lâu dài. 

Người dân ở đây (Lĩnh Nam) cần cù và có kinh nghiệm trồng RAT, với lực lượng đông hàng trăm hộ sản xuất. Tôi nguyên gốc nông dân Thái Bình, ở đó còn có ngày nông nhàn tháng ba ngày tám, còn người trồng rau ở đây quanh năm không cho đất “nghỉ”… Hơn nữa, từ hơn 10 năm trước, vùng bãi quận Hoàng Mai (khi còn thuộc huyện Thanh Trì) là nơi đầu tiên triển khai sản xuất RAT, nên người sản xuất rất am hiểu và có kinh nghiệm thâm canh rau, quả 4 mùa, nhận thức và trách nhiệm rất cao với sản phẩm của mình... Đây là nguồn lực quan trọng hàng đầu để huy động tham gia thực hiện các nội dung của Liên doanh. Để huy động nguồn lực này, tôi vận dụng phương châm Bác Hồ dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nghĩa là phải tạo được sự đồng thuận với người dân và hiệu quả trong hợp tác sản xuất, kinh doanh để cùng phát triển. Đây là điều khó nhất nhưng đến nay, Công ty Thực phẩm Đông Nam Á đã xây dựng được nguyên tắc hợp tác cơ bản đạt mục tiêu này, nhiều gia đình sản xuất RAT muốn bắt tay ký hợp đồng cung ứng tiêu thụ rau với Công ty… 

Trong những năm qua, quận Hoàng Mai luôn quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển nông nghiệp. Riêng năm 2014, quận đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các phường vùng bãi là Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở… Đặc biệt, chính quyền còn “tiếp sức” cho DN. Đơn cử, khi biết Công ty Thực phẩm Đông Nam Á có khả năng cung ứng tiêu thụ sản phẩm RAT, đích thân Chủ tịch UBND quận đã triệu tập các ngành chức năng, chỉ đạo rà soát các cơ quan, đơn vị bếp ăn tập thể... và giới thiệu sản phẩm của Công ty. Qua đó, có 10 bếp ăn trường học đã ký hợp đồng với Công ty cung ứng thực phẩm (RAT, thịt…), là sự động viên, cổ vũ rất lớn với DN trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thương trường như hiện nay. 

Đối với “nhà thứ 4” là Công ty Synapse, đến nay, hai bên đã cơ bản thực hiện theo đúng tiến độ các nội dung hợp tác Liên doanh. Trong tháng tới, sẽ thống nhất logo hàng hóa được Liên doanh sản xuất mang nhãn hiệu: Made in Vietnam – Japan. 

Mới đây, Công ty TNHH Synapse Nhật Bản còn đề xuất, dự kiến mỗi năm sẽ mua nhập 1.000 tấn ngó sen - loại thực phẩm được người Nhật rất chuộng. Tôi đã dẫn họ đi tỉnh Hải Dương, huyện Phú Xuyên của Hà Nội để xem mặt hàng trên. Tôi cũng đã mạnh dạn cùng với bà con vùng trũng Phú Xuyên hợp tác trồng thử 1ha ngó sen. Nếu làm tốt sẽ mở rộng thêm.

 Xin cảm ơn ông!

 
Gia đình tôi trước đây trồng rau theo kiểu tự sản - tự tiêu, lắm khi “được mùa – mất giá”. Gần 3 năm hợp tác với Công ty Thực phẩm Đông Nam Á, rau của gia đình tôi bán với giá ít nhất là bằng giá thị trường, thu nhập tăng từ 20 - 30%. Sướng nhất là không mất công đi bán rau; hàng sáng chỉ việc chở rau từ vườn đến chỗ chế biến của Công ty chỉ vài trăm mét... Phần đông các gia đình trồng rau muốn ký hợp đồng bán rau cho Công ty Thực phẩm Đông Nam Á... - Ông Nguyễn Văn Oanh - Tổ 33, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai