Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý đề nghị của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước về việc xây dựng văn bản của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và các cơ quan liên quan, khẩn trương soạn thảo văn bản thay thế Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008; Quyết định 20/2012/QĐ-TTg ngày 22/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2016.
Ảnh minh họa.
|
Luật Giáo dục năm 2005 quy định việc quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (Điều 71).
Thực hiện quy định nêu trên, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư áp dụng cho cả hệ thống giáo dục đại học (Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 22/4/2012 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg, đồng thời Quyết định thành lập Hội đồng chức danh giáo sư các nhiệm kỳ 2009 – 2014, 2014 – 2019).
Nội dung các quyết định này đã phản ánh đầy đủ những quy định cơ bản làm cơ sở pháp lý áp dụng trong việc xem xét, đánh giá đạt tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó có nhiều nội dung được cập nhật, chất lượng được nâng cao hơn so với các quy định ở giai đoạn trước. Thời gian qua, công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, qua thực tế, nhiều vấn đề, nội dung trong các quyết định nêu trên còn có hạn chế, khái quát, chung chung, chưa cập nhật, thậm chí có khá nhiều các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể quan trọng không được đưa vào các quyết định này, nhưng lại được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ban hành.
Do vậy, việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật mới của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, toàn diện, đầy đủ về vấn đề này trên cơ sở tổng hợp, sửa đổi, bổ sung các quy định nêu tại các quyết định, văn bản hiện hành và cập nhật thực tiễn là cần thiết và cần sớm hoàn thành, không để kéo dài tình trạng có nhiều văn bản liên quan ở các cấp quy định cùng về vấn đề này.