Xây dựng văn hóa đọc lành mạnh

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, có nhiều ý kiến khá bi quan về sự xuống cấp của văn hóa đọc, về sự không quan tâm của con người thời đương đại - thời kỹ thuật số với việc đọc sách, việc tiếp nhận tri thức qua sách vở. Nhưng ngược lại, cũng có nhận xét cho rằng bức tranh văn hóa đọc hôm nay không đến nỗi ảm đạm như vậy.

Có thể nói, trong thời đại bùng nổ của công nghệ số cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 đã và đang ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ lên hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống không chỉ trên nền tảng kinh tế mà còn cả nền tảng văn hóa xã hội. Vì vậy, con người đương đại cũng dang dần thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin, tiếp cận kiến thức từ sách.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Người đọc ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận tri thức từ nhiều kênh khác nhau, đơn giản chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh. Và cuộc cách mạng điện tử với những tiện ích hiện đại, phần mềm ứng dụng phong phú đã làm thay đổi diện mạo, tiến đến việc số hóa những cuốn sách truyền thống.
Thực tế, việc đọc sách không còn chỉ đơn thuần là một hình thức tiếp nhận thông tin, mà còn là một trong những hoạt động văn hóa. Vì thế việc xây dựng văn hóa đọc sách lành mạnh, hiệu quả và tiến bộ là một nhu cầu thiết yếu trong xã hội ngày nay. Mỗi con người không chỉ đọc để thưởng thức vẻ đẹp của văn hóa nghệ thuật, phục vụ nhu cầu giải trí mà còn cần phải làm giàu tri thức và đánh thức niềm tin chân thiện mỹ ở mỗi con người.
Và vì thế, trước sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn tiện lợi, hấp dẫn hiện đại thì thói quen đọc sách truyền thống vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa lâu đời vốn có của nó. Với con người hôm nay, có lẽ nhu cầu đọc sách, báo vẫn đang tồn tại và có xu hướng phát triển trở lại.
Nhưng lại có một hệ lụy, trước sự bùng nổ xuất bản và thông tin mạng, hầu hết người đọc gặp thách thức khi đứng trước khối lượng sách báo, thông tin đa chiều, khổng lồ. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn đối tượng đọc sao cho phù hợp với từng người về trình độ, nghề nghiệp, sở thích có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đó, người đọc được cung cấp hệ thống tri thức phong phú, thiết thực, bổ ích.
Ở các trường đại học, việc sinh viên ít đọc sách, dẫn đến thực trạng nhiều trường hợp viết sai chính tả, vốn từ hạn hẹp, kỹ năng viết không tốt. Trái lại, đọc sách hiệu quả không chỉ khắc phục những vấn đề trên mà còn giúp người đọc tăng cường kỹ năng phân tích, cải thiện sự tập trung và tạo được thói quen lành mạnh.
Văn hóa đọc chỉ có ý nghĩa đích thực khi người đọc có thể biến tri thức từ sách báo thành tri thức sống và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Nếu trước đây, đối tượng đọc chủ yếu là sách văn học, chính trị xã hội thì nay, người đọc còn cần phải hướng tới các sách báo, tài liệu cung cấp các kiến thức về khoa học, công nghệ để kịp tiếp cận nguồn tri thức của thế giới. Và một người có văn hóa đọc tốt phải là người đọc biết gạn lọc, chủ động tiếp thu nguồn tri thức từ sách báo để làm giàu hiểu biết của riêng mình.
Trong thời đại hiện nay, việc toàn cầu hóa hay cách mạng công nghệ lần thứ tư là một thực tế không thể chối bỏ trong tiến trình phát triển của nhân loại, tuy nhiên, cho dù xã hội phát triển đến đâu thì sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có, việc đọc sách vẫn cần đặc biệt được coi trọng, bởi đó là nhu cầu tinh thần cần thiết.
Đọc sách là một văn hóa, khi việc đọc phải là một hoạt động thường xuyên, và phải là việc có lựa chọn rõ ràng, để hướng tới những nhận thức cao hơn. Đó là sự thay đổi nhận thức của chính bản thân và thay đổi xã hội thúc đẩy phát triển nhận thức của con người.
Có một triển vọng khá tốt là các hội chợ sách những năm gần đây luôn có sức hấp dẫn đông đảo với số lượng lớn độc giả, đặc biệt là giới trẻ bởi sự phong phú, đa dạng về thể loại. Đa phần các bạn trẻ đều tìm mua được những cuốn sách yêu thích. Tuy nhiên văn hóa đọc của độc giả không thể đánh giá được từ những dấu hiệu biểu hiện bên ngoài.
Văn hóa đọc của giới trẻ dường như không phải để trải nghiệm mà là để không bị lạc nhịp so với những người xung quanh. Nhờ hiệu ứng tâm lý này, có nhiều ấn phẩm chưa được đánh giá cao về chất lượng nội dung nhưng lại bán tốt, bán chạy hơn những cuốn sách giàu kiến thức và kỹ năng sống.
Chúng ta đã bước sang thời đại mới, thời đại công nghệ 4.0, nó đòi hỏi con người không chỉ có những kiến thức cơ bản mà còn phải là những kiến thức ở tầm cao hơn. Kiến thức của “giai đoạn trí tuệ nhân tạo”... Như thế thì mới sánh kịp được với các công dân toàn cầu khác. Đọc là chìa khóa quan trọng, giúp ta rút ngắn khoảng cách này.
Muốn như vậy thì bản thân từ tác giả đến các nhà xuất bản cũng cần phải chăm chút hơn cho chất lượng các ấn phẩm của mình, không chạy theo thị hiếu tầm thường, chiều lòng bạn đọc một cách dễ dãi. Nhà nước cần có những chiến lược đầu tư sâu và dài hạn hơn nữa để đầu tư phát triển văn hóa đọc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần