Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng văn hóa giao thông bắt đầu từ “Ngày đi xe đạp của em”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 giờ chiều mùa đông, sau khi tan học và ra về được 30 phút, tôi và mẹ vẫn lạc trong “mê trận” xe cộ. Ngày nào cũng vậy, đường từ trường về nhà chỉ 2 cây số thôi, nhưng vì ùn tắc nên mẹ con tôi phải nhích từng mét.

Phía sau, một đoàn ô tô nối đuôi nhau như một con rắn khổng lồ. Khói bụi khiến không khí trở nên ngột ngạt. 
Học sinh trường Amsterdam đi xe đạp đến trường.      Ảnh:  Quỳnh Anh
Học sinh trường Amsterdam đi xe đạp đến trường. Ảnh: Quỳnh Anh
Xe máy, xe đạp, người đi bộ hòa vào nhau tạo nên một bức tranh hỗn loạn. Trước mắt tôi, một vài người nước ngoài giơ tay xin sang đường trong sự hoảng hốt. Đèn đỏ mà vẫn có nhiều xe di chuyển. Đâu đó những tiếng cáu gắt, còi xe inh ỏi khiến khung cảnh thêm hỗn loạn. Nguyên nhân của tình trạng mất kiểm soát này có rất nhiều nhưng chủ yếu do nhận thức của một số lái xe còn quá kém. Khi tham gia giao thông ai cũng chỉ nghĩ tới bản thân mà không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Để rồi dẫn đến TNGT do phóng nhanh, vượt đèn đỏ, lạng lách thường xuyên xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. 

Đã rất nhiều lần, tôi nghe các cô, các bác, thầy cô giáo giảng giải về vấn đề ATGT. Đại ý, khi giải quyết bất cứ vấn đề gì, muốn triệt để phải đi từ gốc rễ, lĩnh vực giao thông cũng vậy. Muốn thay đổi hành vi tham gia giao thông phải xuất phát từ việc làm chuyển biến ý thức của mỗi người dân. Các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền về thực trạng ùn tắc, TNGT và quy định để kiểm soát phương tiện tham gia giao thông. Kết hợp nhanh chóng đưa những nội dung trên vào nhà trường, tổ dân phố, các cơ quan với hình thức bài giảng sinh động hấp dẫn, giúp tác động tới ý thức của đại đa số người dân. Hiện tại, mặc dù đã có biển “đường chỉ dành cho xe ô tô, cấm tất cả các phương tiện khác và người đi bộ” nhưng nhiều người dân vẫn vô tư phóng xe ngược chiều vun vút trên nhiều tuyến đường cao tốc xung quanh khu vực TP Hà Nội như Đại lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp, đường cao tốc trên cao Vành đai 3 (Hà Nội). Thậm chí còn ngang nhiên không đội mũ bảo hiểm, chạy xe mô tô, gắn máy với tốc độ cao gây nên tình trạng mất ATGT nghiêm trọng. 

Hiện nguyên nhân gây tai nạn phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật ATGT cho người dân cần tăng cường xử phạt để người dân chấp hành, đảm bảo ATGT trên đường. Các địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng sử dụng thiết bị giám sát hành trình kết hợp với các lực lượng để xử lý các xe ô tô khách đón trả khách dọc đường, cố tình chạy chậm và chạy dưới tốc độ quy định. Đối với người đi xe máy vào đường cao tốc nên tước vĩnh viễn bằng lái xe bởi tính chất nghiêm trọng khi không chỉ gây mất an toàn cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến các phương tiện khác, nhất là xe khách.

Đối với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến nên xây dựng những tuyến đường có làn dành cho xe đạp, tổ chức phong trào “Ngày đi xe đạp của em”. Tất cả các bạn học sinh khi đi học cần có một lộ trình an toàn để đến trường cũng như đi về nhà. Do đó cần những lối đi xe đạp an toàn, với những giờ giảm tốc để hạn chế tốc độ của các phương tiện khác như xe máy, xe ô tô, xe ba bánh… để học sinh đến trường học tập mà không phải sợ hãi hay lo lắng về TNGT đang rình rập xung quanh hàng ngày, hàng giờ. Cần nhân rộng phong trào đạp xe đạp mỗi tháng một lần như một ngày hội thật sự, không chỉ có trẻ em tham gia mà còn khuyến khích người lớn đi xe đạp khi lưu thông trên đường. Di chuyển bằng xe đạp không chỉ giúp con người rèn luyện thể chất mà còn góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường, hạn chế tốc độ di chuyển trên đường, từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ kép “giữ gìn môi trường, ATGT và tính mạng cho bản thân”.

Muốn bức tranh giao thông Thủ đô thông thoáng, sạch đẹp thì bất kỳ giải pháp chiến lược phát triển nào cũng cần được thực hiện đồng bộ. Trong đó, người dân phải có ý thức chấp hành đúng luật, cư xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Mong sao trên đất nước Việt Nam, TNGT sẽ không còn xảy ra để chấm dứt những vụ tai nạn đau lòng, mang lại sự bình an cho mọi nhà, ít nhất về tinh thần.