Xây dựng cho được một lối ứng xử văn hóa là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi người Hà Nội hiện đại đang sống cuộc sống gấp gáp hơn, tiếp thu, giao thoa với nhiều hình thái văn hóa hơn. Nêu lên bức tranh về văn hóa ứng xử ở những góc đời sống khác nhau nơi thành phố, báo Kinh tế & Đô thị mong muốn góp tiếng nói đánh thức ý thức của những công dân Thủ đô, muốn người Hà Nội hiện đại có một khoảng lặng để suy ngẫm và nhận ra mình trong dòng chảy văn hóa không ngừng nghỉ. Để từ đó, góp phần vào hành trình xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch mà cả Thủ đô đang hướng tới.
Bài 1: Ứng xử văn hóa: Nền tảng của người Hà Nội thanh lịch
Hàng chục năm nay, người Hà Nội đã và đang đắm mình trong dòng chảy văn hóa, giữ mình theo quy luật "gạn đục khơi trong" của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, để kiên trì thu nạp và dung hòa giữa cũ và mới…
Đổi thay - Quy luật
Không chỉ các nhà nghiên cứu văn hóa, mà ngay cả những người bình thường nhất cũng nhìn ra vai trò căn cốt của văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội. Bởi lối sống đẹp cũng bắt nguồn từ cách ứng xử có văn hóa, và những tín hiệu tiêu cực, xuống cấp đạo đức, lai căng trong văn hóa… xét cho cùng cũng bắt nguồn từ những cách ứng xử thiếu văn hóa.
Dù không vơ đũa cả nắm và nhìn đâu cũng thấy những biểu hiện tiêu cực về ứng xử văn hóa, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một điều: Hình như có nhiều người cứ nghĩ rằng, cái gì thuộc về công cộng thì có thể dửng dưng, vô can… Hãy nhìn thẳng vào những điều chưa được trong văn hóa ứng xử để ta chấn chỉnh, âu cũng là một cách sống tích cực. PGS.TS Phạm Văn Tình |
Nếu nhìn vào những góc đời sống xã hội đang vận hành theo cơ chế thị trường, trong cuộc tiếp biến văn hóa với hành trình tiếp thu - sàng lọc - kết tinh - lan tỏa diễn ra không ngừng nghỉ ở Thủ đô là thấy rõ. "Chốn hội tụ bốn phương" Hà Nội đã và vẫn đang dung nạp vào lòng biết bao phong vị, lối sống của người tứ xứ. Rồi sau đó dung hòa, sàng lọc để có những người Hà Nội mới bên cạnh người Hà Nội cũ, những tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh những nền nếp của người Kẻ Chợ xưa… Những cái mới đã "nên hình hài" qua quá trình giao tiếp, ứng xử, và cũng được nhận diện từ chính văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Đơn cử như văn hóa chợ, từ chợ phiên tới thị trường tấp nập bán mua là cả một sự đổi thay, bao hàm trong nó cả những biến chuyển về xã hội, kinh tế, vóc dáng lẫn kiểu cách giao thương. Quan hệ thày trò từ thời mực Tàu giấy dó tới cảnh trường cao lớp rộng bây giờ, đã bỏ qua biết bao lễ nghĩa cầu kỳ để hướng tới những "trường học thân thiện". Ngay cả văn hóa giải trí, từ thời các phường rối nước, các chiếu chèo trải ra trước sân đình, giờ tưng bừng, rực rỡ trong nhà hát, đã là cả một quá trình giao lưu văn hóa với đủ đầy tiếp thu và cải biến… Đó là một hành trình tất yếu của văn hóa, như nhà nghiên cứu Giang Quân nhận định: "Văn hóa Hà Nội không phải là bất biến. Những tinh hoa của thanh lịch Hà Nội cũng phải tùy theo từng thời đại mà có những biến chuyển nhất định. Bây giờ bảo tất cả mọi người mặc áo the, đội khăn xếp, thưởng trà, rượu… như các cụ ngày xưa e rằng không thể được vì nhịp sống bây giờ đã khác". PGS.TS Phạm Quốc Sử, người dành nhiều quan tâm cho văn hóa Hà Nội, cũng đồng quan điểm ấy. Chỉ có điều, như ông nói: "Vẫn biết văn hoá ứng xử của người Hà Nội đến một lúc nào đó sẽ đi xuống bởi cái nền tảng của nó bị "giáng" những cú rất nặng, nhưng cũng không thể ngờ rằng nó lại xuống cấp trầm trọng như hiện nay".
Duyên dáng thiếu nữ Hà Nội.
Bên cạnh tinh hoa mà người Hà Nội thu nhận được, cũng có những mặt trái của văn hóa đi kèm như một hệ quả của sự giao lưu. Nếu như Thăng Long xưa là nơi cư trú của những cư dân từ bốn phương tụ hội, Hà Nội nay cũng là đô thị sầm uất bậc nhất cả nước với hàng triệu người ngoại tỉnh nhập cư. Thế nhưng, thay vì tiếp nối truyền thống "bán anh em xa mua láng giềng gần", kẻ đến trước giúp đỡ người đến sau dù không cùng quê quán, những người "hàng phố", "hàng phường" của Thủ đô nay đã sống theo đúng phong cách thị thành, giáp mặt nhau còn không chào hỏi, nói chi đến chuyện "tắt lửa tối đèn". Không còn những nếp nhà bình yên trong những con phố, con ngõ nhỏ như trước, người Hà Nội đã "lên đời" khi được cư ngụ tại những khu nhà chung cư to đẹp. Tuy nhiên, sự hiện đại không đồng nghĩa với thanh lịch khi nhiều người vẫn thản nhiên vứt rác không đúng địa chỉ, thang máy trở thành sân chơi mini để dỗ trẻ con ăn… Hiện tượng "đong lừa, cân điêu, bán thiếu” - sản phẩm của mặt trái cơ chế thị trường diễn ra hàng ngày khiến mọi người càng thêm đau đáu về những "ông chủ hàng" luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, tuyệt nhiên không bao giờ có ý nghĩ lừa lọc khách hàng.
Khi lễ giáo với những khuôn phép nặng nề đã được "mở cửa", dư luận xã hội lại ồn lên vì những tiêu cực trong quan hệ thầy trò, sự xuống cấp đạo đức hay cả những lối sống quá "thoáng", không còn gì là "thuần phong mỹ tục" của một bộ phận giới trẻ. Sân khấu giải trí được thêm bao loại hình biểu diễn mới, thì cũng có không ít phàn nàn, chướng tai gai mắt với những hở hang, hát nhép, scandal, fan cuồng…
Ngay cả trong ngôn ngữ - thứ được giới làm nghề gọi là "hàn thử biểu của xã hội" - cũng hình thành thêm không biết bao nhiêu "từ mới", trong đó có vô vàn kiểu ăn nói "lệch chuẩn"…
Điểm sơ như vậy để thấy, văn hóa ứng xử quan trọng đến thế nào trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chính vì thế mà đi từ việc xây dựng văn hóa ứng xử để tiến tới xây dựng con người văn hóa, đời sống văn hóa là hướng đi đúng: Tạo sự chuyển biến từ trong nhận thức, từ căn cốt, từ "cái lõi" của vấn đề, dẫu biết rằng làm được không dễ.
Không thể vội vã
PGS.TS Phạm Quốc Sử không giấu nỗi băn khoăn khi nhìn về văn hoá Hà Nội đương đại: "Giữa một thời đại CNH - HĐH như bão lũ thế này, tìm cho văn hóa một lối đi, một cách thức để thích ứng và phát triển, quả là không dễ!". Điều đó đúng, nhưng cứ nhìn lại hành trình đã qua mới thấy người Thủ đô đã đi được một chặng khá dài để tới đích "văn hóa người Hà Nội". Ở đó, người Thủ đô chung sức đồng lòng với người dân cả nước trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Ở đó người Thủ đô đã trăn trở, cân nhắc bao lần để tìm ra được tiêu chí "thanh lịch" và "văn minh" cho riêng mình, để rồi tiếp tục phấn đấu, đi và đến.
Phải nói rằng, trong hành trình xây dựng con người văn hóa, người Hà Nội đã đi đúng đường. Cuộc vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh khi được cụ thể hóa ở bất cứ đơn vị, cơ sở, ngành nghề, phường hội nào, đều bắt đầu từ "cái lõi" của văn hóa là văn hóa ứng xử. Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng văn hoá ứng xử giữa cán bộ công nhân viên với nhau và với người dân, giữa cấp trên với cấp dưới, nhằm làm cho bộ máy doanh nghiệp chỉn chu, quy củ, hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan công quyền thì xây dựng một văn hóa ứng xử công vụ, trong đó chú trọng đến cách giao tiếp, đối đãi giữa người trong cơ quan với nhau và người thực thi công vụ với người dân (còn gọi là văn hóa công chức). Phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội được cụ thể hóa thành Đề án "Văn hóa ứng xử người phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh"; Thành đoàn đẩy mạnh phong trào hành động "Tuổi trẻ thủ đô Sức khỏe, trí tuệ - Đoàn kết, sáng tạo - Thanh lịch, tình nguyện"; Hội Nông dân thực hiện phong trào "Nông dân Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại"…
Nhà nghiên cứu Giang Quân nhận định, "công trình xây dựng ý thức" này là một hành trình dài, không dễ có ngay kết quả: "Việc làm này đòi hỏi sự kiên trì, mưa dầm thấm lâu, không thể vội vã, sốt ruột được. Đi lên một con dốc khó, nhưng tuột dốc thì nhanh. Cái xấu vào con người thì nhanh, nhưng cái tốt để chuyển hóa cái xấu ấy thì đến chậm. Nhưng chúng ta vẫn phải kiên trì làm, dần dần, 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm mới có thể chuyển hóa được". Khó lắm và đường còn dài, nhưng không có nghĩa không thể thực hiện.
PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: "Đây là thời điểm mọi người bắt đầu tìm lại, nhặt lại những mảnh vỡ của quá khứ để hàn chắp lại. Chắc chắn những cái cũ sẽ không được nguyên vẹn, nhưng dù sao cũng vẫn đáng trân trọng". Điều quan trọng là sự kiên trì, tấm lòng yêu Hà Nội, đồng thời cũng cần có thêm những sự khích lệ đúng mức để thúc đẩy "vườn hoa người tốt việc tốt" đơm hoa kết trái.
Bài 2: Đi qua những góc cuộc sống
"Chính thời điểm này là lúc người ta chợt giật mình, nhận thấy mình đã khác quá, và thấy cần thiết phải tìm lại chính mình, tìm lại một thời thanh lịch, nhã nhặn và nghĩa cử. Đừng để văn hóa ứng xử của người Hà Nội như diều mất dây". PGS.TS Phạm Quốc Sử |