Mới đây, nhóm nghiên cứu gồm: Giáo sư- Tiến sĩ Lê Sâm, Thạc sĩ Nguyễn Đình Vượng, Thạc sĩ Trần Minh Tuấn (thuộc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) đã đưa ra đề tài khoa học mang tên “Tận dụng khả năng trữ nước của hồ điều hòa để giảm thiểu ngập lụt trên địa bàn TP. HCM”.
Ở TP Hồ Chí Minh, kênh rạch tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước từ TP ra biển. Tuy nhiên, thời gian qua TP có trên 100 kênh rạch lớn nhỏ bị san lấp và lấn chiếm với tổng diện tích khoảng trên 4.000ha, chiếm khoảng 50% tổng chiều dài kênh rạch thoát nước hiện hữu đang bị lấn chiếm khiến dòng chảy bị thu hẹp; hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp, ao hồ, vùng trũng được san lấp thành đất xây dựng đã làm cho khả năng tiêu thoát nước của TP ngày càng suy giảm.
Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các đô thị phải đảm bảo diện tích mặt nước tối thiểu là 17% diện tích tự nhiên. Ngày 11/10/2007, UBND TP HCM có văn bản số 6814/UBND-ĐTMT về việc thỏa thuận san lấp kênh rạch. Theo đó, “Giao Sở Giao thông – Công chính khi thực hiện việc thỏa thuận san lấp kênh rạch phải có quy định việc bố trí hồ điều tiết thay thế với diện tích hồ bằng 1,2 lần diện tích kênh rạch được san lấp”.
Tuy nhiên, trong thực tế ý kiến chỉ đạo của TP đã không được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, tỷ lệ diện tích mặt nước tại đô thị TP HCM chỉ còn 5,97% diện tích tự nhiên (thời kỳ 1985-1986 diện tích mặt nước ở TP HCM đạt trên 20% diện tích tự nhiên).
Theo số liệu thống kê của Công ty thoát nước TP. HCM, hệ thống cống thoát nước cấp 2-3 của TP hiện có khoảng 944km, trong đó có gần 800 km đường cống chính với khoảng trên 4 vạn hố ga các loại và hơn 420 cửa xả nước này mới chỉ đáp ứng được 25% so với yêu cầu. Nhiều tuyến đường, khu dân cư còn chưa có cống thoát nên khi mưa xuống, nước từ nhà dân đổ ra đường, đường biến thành kênh thoát nước…
Vì thế, sau trận mưa ngày 15/9 vừa qua, TP đã ngập nặng với tổng cộng khoảng 66 điểm. Các lưu vực ngập nặng nhất như Bến Nghé - quận 4, Tân Hóa - Lò Gốm, Bắc Nhiêu Lộc, Bắc Tàu Hũ, Nam Tham Lương; các lưu vực phía Đông, Tây, Nam và Bắc TP…
Trao đổi cùng chúng tôi, Thạc sĩ Vượng cho biết: “Dựa trên kết quả nghiên cứu từ địa hình, hệ thống sông, quy hoạch tiêu thoát nước, kênh rạch và lượng mưa hàng năm ở TP. HCM, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp xây hồ dự trữ để chống ngập.
Nhóm nghiên cứu chia TP HCM ra 6 vùng. Vùng 1 gồm: Quận 1, 3, 5, 6,10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú và một phần thuộc quận 8, Bình Tân. Vùng 2 gồm: Quận Thủ Đức, 2 và quận 9. Vùng 3 gồm: Quận 12, Hóc Môn và một phần thuộc huyện Bình Chánh và Bình Tân. Vùng 4: Huyện Củ Chi. Vùng 5: là quận 4, 7, huyện Nhà Bè và một phần thuộc quận 8, huyện Bình Chánh . Vùng 6: là huyện Cần Giờ”.
Nhóm nghiên cứu đề xuất sử dụng hai dạng hồ. Một là dạng hồ 70% chìm và 30% nổi, áp dụng cho những vùng đất trũng thấp thu gom nước về hồ trong khi chờ xả ra hệ thống sông kênh. Hai là hồ chìm áp dụng cho những vùng đất cao ngăn nước tràn về hệ thống tiêu thoát vùng thấp. Tùy theo chức năng, vị trí xây dựng, kết cấu hồ điều hòa có thể có 1 hoặc cả 3 loại gồm: Cống điều tiết (cửa van một chiều), trạm bơm, đê bao (kết hợp đường giao thông, cây xanh xung quanh hồ).
Từ các tiêu chí, kết quả điều tra, tổng hợp ý kiến địa phương và các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đề xuất quy hoạch vị trí xây dựng hệ thống hồ điều hòa như sau:
Đối với khu vực trung tâm (vùng 1): Tạo hồ tự nhiên bằng việc xây dựng cống ngăn triều đầu rạch Thị Nghè, kênh Tàu Hủ (đoạn từ cầu chữ Y đến đầu kênh Tân Hóa - Lò Gốm, thuộc quận 8- quận 6).
Vùng 3 và vùng 4, bố trí hồ điều hòa tại xã Xuân Thới Thượng, Vĩnh Lộc A, Tân Trung, Bình Mỹ… cắt một phần nước tràn về vùng trung tâm và việc bố trí cống ngăn triều tại đầu rạch Vàm Thuật tạo bể chứa nước chính cho vùng.
Vùng 2 và vùng 5, có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, chịu tác động mạnh thuỷ triều từ 2 lưu vực sông Sài Gòn và Đồng Nai.
Vùng 3, phần lớn thiếu hệ thống cống tiêu thoát nước. Vì vậy, ngoài giải pháp xây dựng hồ điều hòa cần phát triển song song với hệ thống cống cho vùng…
“Việc xây dựng các hồ điều hòa này sẽ góp phần giải quyết vấn đề thực trạng tiêu thoát nước ở TP, như: Tăng khả năng thoát nước trọng lực, giảm quy mô trạm bơm tiêu, giảm khối lượng san lấp nền, giảm sự ô nhiễm môi trường, bồi lắng kênh rạch và cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái”, Thạc sĩ Vượng nói.
Ngập lụt ở TP HCM.
|
Hồ sử dụng điều tiết cho vùng đất thấp. Hình minh họa. Ảnh nhóm nghiên cứu cung cấp.
|