Cùng một đoạn đường, 2 xe 2 giá vé
Theo phản ánh của nhiều khách hàng thường xuyên đi 2 tuyến xe buýt này thì đoạn đường hơn 10km, từ thị trấn Kim Bài (Thanh Oai) đến Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật - Thương mại (xã Phú Lãm - Hà Đông - Hà Nội), 2 tuyến xe buýt lại có 2 mệnh giá vé khác nhau. Xe 211 giá vé 6.000đ và xe 215 giá 5.000đ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đoạn đường này chỉ có hai tuyến xe buýt đi qua là xe 211, (lộ trình Mỹ Đình - Hà Đông - Tế Tiêu),thuộc Công ty Vận tải Tín Lợi. Và xe 215, (lộ trình Giáp Bát - Hà Đông - Chùa Hương), thuộc Công ty cổ phần Ôtô khách Hà Tây, chuyển đổi từ tuyến xe khách cố định đi chùa Hương thành xe buýt vào đầu năm 2009.
Em Hoàng Thị Dung (sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật - Thương mại), hành khách thường xuyên của 2 tuyến xe buýt này, cho biết: "Cũng một tuyến đường mà hai giá vé khác nhau khiến bọn em thấy lạ. Lên xe buýt số 211, bọn em nhận vé ghi rõ ràng giá vé toàn tuyến và vé mỗi chặng là 6.000đ. Còn lên xe số 215 chỉ cần đưa 5.000đ mà không được xé
Làm hành khách của cả hai tuyến xe này trong hai ngày, chúng tôi được chứng kiến gần như trọn vẹn những bức xúc của người dân dọc QL21b đường Ba La đi chùa Hương như việc xe buýt chạy "như điên", bắt khách như xe dù, gây mất trật tự an toàn giao thông, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.
Khoảng 11h, ngày 28/11, đứng trước cổng khu B, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật - Thương mại cách điểm dừng xe buýt 500m, để đón xe về thị trấn Kim Bài. Đúng lúc có một chiếc xe 215 đi tới, chưa kịp nhìn được biển số xe thì tôi đã được lôi lên xe rất nhanh.
Khi nhân viên kiểm soát vé thu tiền mệnh giá 5000đ mà không thấy xé vé, tôi liền hỏi thì nhân viên soát vé không trả lời. Trở lại Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Thương mại, tôi lên xe 211 mang BKS 30H-6235 khi đang đứng trước cổng Doanh trại quân đội đầu thị trấn. Đưa tiền vé và được trả lại bằng một tấm vé ghi rõ ràng giá vé trọn tuyến, giá mỗi chặng là 6.000đ.
Không chỉ có đoạn đường này xe 215 không thu vé mà hầu hết các chặng đường xe chỉ thu tiền, không có vé.
Hồi 14h30', ngày 29/11, trước cổng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật - Thương mại, tôi lên xe 215 mang BKS 33M-1625 về cầu Hà Đông, cũng như lần trước chỉ có đưa tiền mà không có vé. Không phát vé, xe 215 thu giá lại thấp hơn so với xe 211 chạy cùng đường 1.000đ.
Còn một hiện tượng khác là vào những ngày cuối tuần này, học sinh, sinh viên về quê đông, xe nhồi nhét khách chật cứng, không còn chỗ chen chân. QL21b mặt bằng chật hẹp, đông xe máy, nhiều xe tải, xe khách tham gia giao thông nên rất bụi và xảy ra nhiều tai nạn. Khách trên xe đông, đường nhỏ mà xe thì phóng với tốc độ lớn, gây mất an toàn cho hành khách.
Cần làm tốt công tác quản lý
Đa phần người dân đi xe buýt vì phù hợp điều kiện, tránh được mưa gió, nắng và an toàn hơn. Nhưng hiện nay, một số tuyến xe buýt ngoại thành luôn trong tình trạng quá tải, lúc nào cũng chật cứng không thể chen chân, hiện tượng tài xế và nhân viên soát vé nói năng mất lịch sự, xe chạy "ẩu", bắt khách dọc đườngthường xuyên xảy ra.
Tình trạng mở cửa đón khách khi chưa đến giờ xếp khách và khi xe đang vận hành, lái xe dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, chạy quá tốc độ, bắt khách không đúng điểm dừng đỗ... của những tuyến xe này diễn ra hết sức phổ biến.
Việc xe buýt chạy "như điên", bắt khách như xe dù không có gì lạ lẫm với người dân nữa. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến xe 211 mang BKS 30M-0740 dừng rất lâu trước cổng làng Chuông chờ đón khách (11h15', ngày 28/11). Tôi đi cách nhà chờ xe buýt hơn hơn 100m, trước Doanh trại Quân đội nhân dân, ngay đầu thị trấn Kim Bài, trong bộ dạng quần áo chỉnh tề, đeo ba lô nhỏ, một xe 211 mang BKS 30M-0767 lập tức trờ đến chào mời.
Mươi phút sau xe mang BKS 30H-6235 đi đến, cũng như xe trước, phụ xe vừa hô, vừa vẫy tay xin nhường đường để dừng lại chèo kéo chúng tôi lên xe. Qua 2 ngày làm hành khách của hai tuyến xe buýt trên, một thực tế là hầu hết các xe này đều vi phạm các lỗi chạy quá tốc độ, bắt khách không đúng điểm quy định.
Được biết, từ đầu năm đến nay, CSGT tuyến đường này đã xử lý nhiều trường hợp lái xe của 2 tuyến xe này bị xử lí vi phạm về TTATGT, nhưng đến nay chuyển biến không có gì đáng kể.
Lưu lượng hành khách ngày càng tăng cao nên người làm quản lý cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết để xe buýt trở thành phương tiện giao thông phổ biến, an toàn của người dân. Chính vì vậy, việc thắt chặt quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ là một yêu cầu thiết yếu.