Xe đạp điện với giao thông xanh

Nghiêm Mỹ Khanh (Lớp 6A6, trường THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe đạp điện là loại phương tiện cơ động, giá thành rẻ và thân thiện với môi trường nhất hiện nay. Thế nhưng, do người sử dụng chủ yếu là học sinh - đối tượng chưa nhận thức được hết các biện pháp an toàn, nên xe đạp điện đang gây nhiều phiền toái cho giao thông Thủ đô.

Nhiều ưu điểm nổi bật
Khoảng năm 2008, xe đạp điện bắt đầu xuất hiện tại các TP lớn ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Với ưu điểm nổi bật như giá thành, chi phí nhiên liệu rẻ, tiện lợi… nên xe đạp điện dần được phổ biến rộng rãi, chinh phục một bộ phận lớn người tiêu dùng, gồm cả người lao động, người già, người có thu nhập thấp… Nhưng nhóm người chuộng sử dụng xe đạp điện nhất là học sinh, sinh viên.
 Đi xe đạp điện để môi trường không khí trong sạch. Ảnh  Trần: Anh
Mỗi chiếc xe đạp điện thông thường có giá từ vài triệu đến hơn 20 triệu đồng; xe có thể đạt vận tốc từ 25 - 50km/h, chở được 2 người hoặc 150kg, mỗi lần sạc đầy có thể đi được khoảng 70km. Đáng nói là người sử dụng không phải bỏ ra một khoản chi phí thường nhật để mua nhiên liệu, xăng dầu cho xe. Ngoài ra, xe đạp điện còn có ưu điểm rất quan trọng là thân thiện với môi trường, phù hợp để góp phần xây dựng giao thông xanh.

Hiện nay, Hà Nội có hàng triệu mô tô, xe gắn máy, lượng xăng dầu phục vụ các phương tiện này tiêu tốn mỗi ngày hàng trăm tỷ đồng, xả ra môi trường hàng triệu lít khí thải độc hại. Mặt khác mô tô, xe máy còn là loại phương tiện có vận tốc cao - một trong những tác nhân khiến hàng nghìn người tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm. Còn xe đạp điện, do vận tốc nhỏ hơn xe máy, nên ít nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông hơn. Đồng thời cũng góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mua nhiên liệu mỗi ngày; góp phần bảo vệ môi trường xanh, cuộc sống xanh cho Hà Nội.

Nếu đặt xe đạp điện bên cạnh mô tô, xe máy, rất dễ nhận thấy sự tương phản về tác dụng, tác hại với đời sống xã hội và người tham gia giao thông. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là xe đạp điện chưa được sử dụng đúng cách; luật pháp về giao thông cũng chưa có đầy đủ các điều khoản đối với xe đạp điện cũng như người lái, nhất là học sinh, sinh viên.

Để phương tiện “xanh” an toàn

Năm 2015, sau gần 8 năm lưu hành rộng rãi, cơ quan chức năng mới đưa ra quy định bắt buộc người đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Mới đây, xe đạp điện cũng đã buộc phải đăng ký biển kiểm soát để quản lý. Nhưng cả quy định về đăng ký biển kiểm soát lẫn sử dụng MBH đều gặp nhiều khó khăn khi áp dụng vào thực tế, kết quả đem lại không đáng kể. Đặc biệt, quy định bắt buộc đội MBH đối với người ngồi trên xe đạp điện gần như vô hiệu. Mà nhóm người điều khiển xe đạp điện vi phạm quy định này nhiều nhất lại là học sinh, sinh viên - những người sử dụng xe đạp điện nhiều nhất. Hiện chưa có một thống kê cụ thể về số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, nhưng trong cuộc sống hàng ngày có thể thấy tai nạn xảy ra với loại xe này không ít. Trên đường phố, hình ảnh người đi xe đạp điện, đặc biệt là học sinh không đội MBH, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, dàn hàng ngang ngày trước mắt CSGT diễn ra mỗi ngày. Thế nhưng CSGT lại thường “ngó lơ” vi phạm hoặc vờ như không thấy, không xử phạt cũng chẳng nhắc nhở.

Từ gia đình cho đến nhà trường cũng chưa có sự quan tâm đầy đủ, đúng mức, sát sao đến việc thực hiện quy định của luật giao thông khi học sinh, sinh viên sử dụng xe đạp điện. Gia đình không nhắc nhở, không giáo dục ý thức, nhà trường cũng không quan tâm, CSGT không xử phạt thì chắc chắn việc vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên sẽ nhanh chóng trở thành thói quen xấu. Bản thân xe đạp điện không có lỗi, thậm chí còn có ưu điểm lớn, song chính cách sử dụng thiếu ý thức của chủ phương tiện, đã và đang khiến xe đạp điện trở thành loại phương tiện nguy hiểm, phiền toái đối với cả người điều khiển lẫn cộng đồng.

Để chấm dứt tình trạng trên, giúp xe đạp điện trở thành phương tiện xanh, thân thiện, hữu ích với người Hà Nội, cơ quan chức năng phải có những biện pháp quyết liệt, dứt khoát đối với người điều khiển xe đạp điện có hành vi vi phạm. Mỗi gia đình phải thường xuyên giáo dục con em, vận động người thân chấp hành các quy định khi đi xe đạp điện. Nhà trường phải có hình thức xử lý, kỷ luật đối với các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm. Và quan trọng nhất là cả gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng phải có sự liên thông về tin tức, biện pháp giáo dục, tuyên truyền ý thức về ATGT cho người sử dụng xe đạp điện. CSGT khi phát hiện vi phạm sẽ nhắc nhở, rồi báo cho nhà trường, gia đình biết để cùng chấn chỉnh hoặc áp dụng biện pháp kỷ luật, cảnh cáo mà không cần phải phạt tiền hay tịch thu xe... Có như vậy mới tạo được hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần