Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Xe hành xác” – hành khách tự làm khổ mình?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, do thời gian nghỉ lễ kéo dài (5 ngày), gia đình chị Yến (Hà Nội) chọn đi Quảng Ninh xem lễ hội Canaval Hạ Long 2013.

Mở cửa đón khách chưa đầy 20 phút, chiếc xe khách chạy tuyến Mỹ Đình (Hà Nội)- Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã chật kín chỗ, nhiều ghế phải ngồi 3. Tài xế lớn giọng: “giá vé Bãi Cháy, Tuần Châu đồng hạng 200.000 người, Cẩm Phả 300.000/ người ai không đồng ý, xuống đi xe khác”.

 
“Xe hành xác” – hành khách tự làm khổ mình? - Ảnh 1
 
Khách về quê, đi nghỉ bị nhồi nhét trên một tuyến xe khách từ Hà Nội - Thanh Hoá.
 

Năm nào cũng vậy cứ mỗi dịp lễ, tết lượng người đổ ra các bến xe bắt xe về quê, đi nghỉ đông đột biến, khiến cho các nhà xe phải gồng mình phục vụ. Đây cũng là dịp các “thượng đế” bị bắt chẹt, chặt chém vô tội vạ.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, do thời gian nghỉ lễ kéo dài (5 ngày), gia đình chị Yến (Hà Nội) chọn đi Quảng Ninh xem lễ hội Canaval Hạ Long 2013. Sáng 28/4, chị và gia đình ra bến xe Mỹ Đình bắt xe đi Quảng Ninh. Tại đây, chiếc xe chạy tuyến Mỹ Đình - Cẩm Phả vừa mở cửa chưa đầy 20 phút trên xe đã chật ních người. Thế nhưng khách vẫn len lên rất đông, tài xế  xếp thêm một lượt ghế nhựa ngồi ở giữa, khiến cho lối đi chật cứng, không lối ra vào. Vẫn chưa hài lòng, nhiều ghế bị ghép ngồi tới 3 người ngay trong bến.

Thấy xe đã chật cứng nhưng lượng khách tại bến xe vẫn đông, tài xế đứng giữa xe thét giá “Tuần Châu, Bãi Cháy vé đồng hạng 200.000/người; Cẩm Phả giá 300.000. Mọi ngày các vị là “thượng đế” rồi, cả năm có ngày này để “nhà xe là thượng đế”, ai không đi thì xuống xe”. Do tài xế thét giá quá cao, ngày thường tuyến này có giá chỉ từ 120.000 – 220.000 người nên một số người xách balô đi xuống. Nhưng ngay lập tức lại có vài người khác leo lên cố chen lấn lấy một chỗ đứng ngay trong bến xe.

Sau khi lèn chật cứng khách ngay trong bến xe, chiếc xe bắt đầu xuất bến. Dọc hàng trình từ Hà Nội về Quảng Ninh, chiếc xe chạy như bò trên đường vừa đi vừa tranh thủ bắt thêm khách. Mỗi khi có khách lên, phụ xe lại bắt khách đứng ở giữa dồn về phía sau khiến cho những người đứng ở lối đi lại chật như nêm. Chị Yến cho biết, theo quy định, chiếc xe khách trên chỉ được phép chở 45 người nhưng hôm đó, tài xế đã nhồi nhét tới 80 khách.

Do chở quá quy định cho phép cho nên dọc đường chạy về Quảng Ninh, để tránh bị công an phát hiện, phụ xe kéo rèm che kín các cửa sổ, khách chỉ vừa để hở rèm cửa ra nhìn ra ngoài, phụ xe liền gắt gổng bắt kéo vào ngày.

Không chỉ có gia đình chị Yến ở Hà Nội, nhiều người khi sử dụng phương tiện xe khách đi lại trong dịp nghĩ lễ cũng bị “hành” đến khốn khổ.

7h sáng ngày 28/4, anh Xuân ra bến Mỹ Đình bắt xe về Thọ Xuân (Thanh Hóa). Từ trong bến, xe khách Hoàng Phương (biển kiểm soát 36N-0048) đã không còn ghế trống. Do không có nhiều sự lựa chọn, anh Xuân lên xe và chấp nhận đứng suốt quãng đường dài gần 200 km.

Dù chở quá tải nhưng nhà xe vẫn tiếp tục bắt khách dọc đường và nhồi nhét người.

Theo anh Xuân, chiếc xe này khi chạy đến địa phận trị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) xe đã nhồi tới 90 người. Vừa nóng bức vừa ngột ngạt nhưng không ai dám xuống, nhiều người thậm chí phải đứng bằng một chân, mồ hôi nhễ nhại.

Không chỉ nhồi nhét, lái phụ xe còn thu 120.000 đồng một người trong khi giá vé ở bến chỉ 95.000 đồng. Nhiều hành khách thắc mắc, "nhà xe đáp không đi thì xuống đi xe khác, ngày lễ xe nào cũng vậy thôi". Nhưng chẳng ai dám xuống vì xe đã đi được vài chục km.

Quá bức xúc trước việc làm của lái phụ xe trên, anh Xuân đã tìm cách báo về việc chở quá tải trên với Đội CSGT số 12 (phụ trách thị trấn Xuân Mai và huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tuy nhiên, xe khách nhồi 90 người vẫn ung dung đi qua 2 chốt cảnh sát giao thông ở gần ngã ba thị trấn Xuân Mai và Miếu Môn (Chương Mỹ) mà không hề bị cảnh sát dừng xe kiểm tra.

Không chỉ nhồi nhét và vòi thêm tiền, xe khách biển Hà Nội còn tắt máy, tắt điều hòa để ép khách về quê nghỉ lễ phải xuống đường và "bán" lại cho các xe khác.

Chiều 26/4, anh Duy ra bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) bắt xe về Hà Tĩnh nghỉ lễ 30/4 cùng gia đình. Sau nhiều giờ chen lấn, xô đẩy anh mới mua được vé giường nằm giá 200.000 đồng. Khi rời bến, xe 45 chỗ biển kiểm soát 29B-00035 bị nhồi tới hơn 70 người, mỗi chiếc giường có tới 2 người chen chúc ngồi.

Dọc đường, phụ xe bắt thêm gần 10 khách và yêu cầu mỗi người nộp 50.000 phụ phí. "Mọi hành khách đều thông cảm vì đây là ngày lễ", anh Duy nói.

Tới địa phận xã Quảng Ninh (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), nhà xe dừng lại ăn cơm và cho khách nghỉ ngơi. Nhưng khi trở lại xe, hành khác lại được thông báo: "Ai ở Diễn Châu, Vinh, Cầu Giát thì sang một xe bé hơn và nộp thêm 50.000 đồng để về trước". Một số hành khách muốn về sớm đã xách hành lý lên xe.

"Hành khách về Hà Tĩnh cũng được yêu cầu xuống để chờ các xe khác đến đón. Chúng tôi không đồng ý vì vừa phải đợi lại vừa phải mất thêm 50.000 - 80.000 đồng nhưng lái, phụ xe vẫn ép bằng cách tắt máy, tắt điều hòa. Quá bí bức, tất cả khách đều phải xuống xe", anh Duy kể lại.

“Xe hành xác” – hành khách tự làm khổ mình?

Có dịp đi trên một chuyến xe khách dịp nghỉ lễ, phóng viên thấy rằng, hầu hết cảnh chen lấn trên xe khách có thể nói là do chính hành khách gây ra. Nhiều xe khách khi xuất bến đã chật ních khách, nhưng ra đến đường nhiều người vẫn cố tình chen lấn để lên xe bất chấp xe đã quá đông, kể cả chen lấn để lấy một chỗ đứng trên xe.

Thông thường thì tâm lý của mỗi người khi đi xe khách thường là ra đến bến hoặc lề đường có xe đúng tuyến chạy qua là bắt đi ngay nên không quan tâm đến vấn đề chất lượng cũng như an toàn của bản thân nên việc chen lấn là không tránh khỏi.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng hành khách bị nhà xe nhồi nhét, thét giá, thiết nghĩ mỗi hành khách hãy tự nâng cao ý thức khi đi xe bằng cách hãy biết nói không với những xe đã quá đông người, không lên xe, không chấp nhận cảnh để tài xế, phụ xe nhồi nhét mỗi khi đi xe.