Xe ô tô tăng giá khi thuế trước bạ giảm 50%: Doanh nghiệp lợi dụng chính sách để hưởng lợi

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ ký ban Nghị định 70/20/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP. Như vậy, từ nay đến hết năm 2020, các mẫu xe sản xuất trong nước khi đi đăng ký sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, khi khách hàng nhận được hỗ trợ từ Chính phủ cũng là lúc các DN và đại lý bán lẻ ô tô cắt các khuyến mại và tăng giá bán.

 Khách hàng tham khảo xe tại đại lý Hyundai. Ảnh: Việt Dũng

Các hãng xe dần tăng giá
Khảo sát một số DN kinh doanh xe ô tô cho thấy, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Nghị định 70/20/NĐ-CP xe Honda City bản 1.5 TOP được rao giá 570 triệu đồng/xe, tăng 10 triệu so với trước. Tại đại lý Toyota, mẫu Vios 1.5G cũng tăng thêm 10 triệu đồng, lên mức 550 triệu đồng/xe và các chính sách quà tặng bị cắt giảm. Một số mẫu xe như Toyota Innova cũng tăng giá khoảng 10 triệu đồng so với trước đây. "Đầu tháng 6 nhiều mẫu xe trong nước được DN áp dụng chương trình giảm 50% lệ phí trước trước bạ cho khách hàng, nhưng sau khi Thủ tướng ra quyết định giảm lệ phí trước bạ thì DN kinh doanh xe dừng thực hiện gói khuyến mại này" - đại diện DN cho biết.
Thời gian tới, khi hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định, rất có thể nhu cầu mua xe tăng lên. Việc đại lý kinh doanh xe ô tô giảm khuyến mại sẽ khiến khoản “hỗ trợ” của Chính phủ dành cho người tiêu dùng sẽ được chuyển tới DN. Trong khi khách hàng không được hưởng lợi từ chính sách kích thích tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long
Trong khi đó, các mẫu xe ô tô thương hiệu Hàn Quốc cũng tăng giá bán. Thông tin từ đại lý Hyundai trên đường Lê Văn Lương cho thấy, bắt đầu từ đầu tháng 6, mẫu xe Hyundai KONA chỉ ưu đãi, giảm giá 30 triệu đồng cho khách mua xe. Trong khi trong tháng 5, những mẫu xe này được đại lý ưu đãi giảm 50 triệu đồng. Ngay cả một số mẫu xe “bình dân” như Hyundai Grand i10, Accent từng được giảm 10 - 15 triệu đồng trong tháng 5 thì nay không được DN phân phối áp dụng giảm giá mà bán đúng giá nhà sản xuất đưa ra.
Trong khi đó, nguồn cung ô tô nhập khẩu lại giảm mạnh. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6, cả nước nhập khẩu 38.123 xe ô tô nguyên chiếc với tổng kim ngạch 846 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, con số này giảm gần 32.000 xe. Nguồn cung xe nhập khẩu giảm cũng khiến khách hàng tìm đến xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng, như vậy giá xe dự báo sẽ tiếp tục nhích lên. Được giảm 50% lệ phí trước bạ nhưng giá lại xe tăng nên người mua không được hưởng "lợi kép" như kỳ vọng.
Doanh nghiệp "mượn gió bẻ măng"
Lý giải việc tăng giá bán xe ô tô lắp ráp trong nước sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định giảm 50% phi trước bạ, các DN kinh doanh ô tô có chung ý kiến: Vừa qua DN đã phải giảm giá mạnh để thu hút khách hàng. Với việc Chính phủ hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ thì phải cắt giảm bớt khuyến mại để giảm lỗ.
Trong khi đó, đa phần người tiêu dùng cho rằng, DN đã lợi dụng chính sách kích cầu của Nhà nước để hưởng lợi. Phát biểu trên diễn đàn Otofun, anh Trần Hùng, một khách hàng đợi mua xe Toyota nói: "Việc Chính phủ quyết định giảm thuế, phí là để hỗ trợ người dân mua xe, kích cầu tiêu dùng thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời thúc đẩy phát triển nền công nghiệp ô tô nội địa. Việc DN tăng giá hoặc cắt giảm khuyến mại xe lắp ráp nội địa khiến những cố gắng của Chính phủ trong việc thúc đẩy sản xuất xe trong nước không đạt được kết quả như mong muốn”.
Đồng tình với ý kiến của người tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế nhận định, Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô nội địa đến hết năm 2020 là để kích cầu tiêu dùng. Việc DN cắt giảm chương trình khuyến mại, tăng giá bán xe vô hình chung khoản tiền này sẽ rơi vào tay DN. Tận dụng chính sách hỗ trợ người tiêu dùng của Chính phủ để hưởng lợi, rất có thể sẽ khiến người dân quay lưng với xe nội địa. Điều đó sẽ khiến ngành sản xuất ô tô trong nước mặc dù có cơ hội nhưng lại một lần nữa khó có thể tận dụng được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần