Dù chính quyền địa phương cho biết đã và đang quyết liệt xử lý, nhưng vi phạm vẫn tồn tại thách thức pháp luật.
Phá đường
Theo UBND huyện Gia Lâm, tại khu vực bến Lời có 6 vị trí của 3 tổ chức đang hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD). Trong đó, 4 vị trí đã có hợp đồng thuê đất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép bến thủy nội địa; bao gồm 1 điểm của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Gia Lâm; 1 điểm của Công ty TNHH Kinh doanh Vật tư & Vận chuyển Hà Trang; 2 điểm của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh. Tuy nhiên, còn 2 vị trí của của Công ty TNHH Kinh doanh Vật tư & Vận chuyển Hà Trang chưa có hợp đồng thuê đất, chưa có bản cam kết bảo vệ môi trường, giấy phép bến thủy nội địa.
UBND huyện Gia Lâm đã yêu cầu chủ đầu tư sử dụng đất thực hiện đúng các nội dung hợp đồng, không được vận chuyển VLXD bằng xe quá khổ, quá tải. Thế nhưng, thực trạng tại khu vực bến Lời hoàn toàn khác. Theo điều tra của phóng viên, bến Lời không chỉ là nơi tập kết VLXD, mà còn trở thành bến tập kết, trung chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với đủ các loại xe quá khổ, quá tải tấp nập vào ra. Từ bến Lời có thể đi ra các tuyến đường đê Cổ Bi, đường Cổ Bi, đường Ỷ Lan để ra QL5. Đây là các tuyến đường trục chính của huyện Gia Lâm nên hàng ngày lưu lượng các loại phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức độ cao. Tình trạng xe vận chuyển hàng quá khổ, quá tải xuất phát từ bến Lời thường xuyên chạy trên các tuyến đường này để đi ra QL5 dẫn đến các tuyến đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. “Trong các kỳ tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã phản ánh tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy suốt ngày đêm qua các tuyến đường của xã, huyện, ảnh hưởng đến cuộc sống Nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để” - chị Nguyễn Thị Lan, người dân xã Đặng Xá chia sẻ.
Xử lý kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”
Ngày 11/9, ông Nguyễn Ánh Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Xá đã có văn bản gửi UBND huyện Gia Lâm và các cơ quan chức năng liên quan về việc xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn xã với nội dung: "Đặng Xá có số lượng dân cư 14.820 khẩu/3.718 hộ được phân bổ ở 10 thôn, 1 tổ dân cư, 3 khu tập thể và 1 khu đô thị mới nằm dọc hai bên tuyến đường Ỷ Lan. Tuy nhiên, hiện nay trên tuyến đường Ỷ Lan và đê hữu tuyến sông Đuống đoạn qua địa bàn xã Đặng Xá, tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy quá tốc độ thường xuyên hoạt động làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT, an toàn về đê điều và VSMT gây bức xúc trong Nhân dân. Để đảm bảo ATGT, an toàn đê điều và VSMT trên địa bàn xã Đặng Xá, UBND xã Đặng Xá đề nghị UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm theo đúng quy định".
UBND huyện Gia Lâm thừa nhận có thực trạng xe quá khổ, quá tải chạy qua các tuyến đường dân sinh, xuất phát từ bến Lời. Theo ông Trương Văn Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, nắm bắt được việc này, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện làm việc với các công ty, DN, chủ sở hữu có xe tải trọng lớn hoạt động ở khu vực bến Lời ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị khi tham gia giao thông. Trong thời gian qua, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo Công an huyện kiểm tra xử lý xe quá khổ, quá tải chạy trên địa bàn xã Đặng Xá, đặc biệt là tuyến đường Ỷ Lan - bến Lời.
Kết quả, từ ngày 29/7 - 16/11, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 35 trường hợp xe ô tô chở hàng vượt quá tải trọng, 8 trường hợp xe ô tô đi vào đường cấm, 7 trường hợp xe ô tô chở hàng, VLXD để rơi vãi khi tham gia giao thông với tổng số tiền phạt 146 triệu đồng. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Công an huyện cùng các lực lượng chức năng phối hợp với UBND xã Đặng Xá thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch đã đề ra để đảm bảo trật tự ATGT tại bến Lời và các tuyến đường trên địa bàn. Đồng thời, giao Phòng TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các bến bãi là nơi tập kết, trung chuyển VLXD tại bến Lời, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các bến bãi không đủ điều kiện theo quy định.
Mặc dù UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải, nhưng theo người dân địa phương, việc xử lý như vậy cũng mới chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Người dân vẫn chưa thể hết bức xúc nếu tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy quá tốc độ thường xuyên hoạt động làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT, an toàn về đê điều và VSMT không được xử lý từ gốc và triệt để.
Xe quá khổ, quá tải xuất phát từ bến Lời chạy trên các tuyến đường dân sinh.
|