Theo ông Trung, hiện TP chỉ cho phép xe có trọng tải đến 10 tấn được tham gia lưu thông, tuy nhiên thực tế có những xe 20 - 30 tấn vẫn hoạt động trên các tuyến đê dẫn tới sụt lún, hỏng mặt đê. Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp xe quá tải trọng, TP cũng xác định đầu tư cho 2 tuyến đê tả, hữu sông Hồng trở thành 1 tuyến giao thông quan trọng để đáp ứng nhu cầu giao thông.Về công tác phòng chống lụt bão, ông Trung cho biết, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã xác định được 3 trọng điểm, 10 điểm xung yếu trước mùa mưa bão năm 2017.Trọng điểm thứ nhất là khu vực cống Liên Mạc, đây là khu vực cửa lấy nước vào sông Nhuệ, do tuổi đời lâu năm nên xảy ra hiện tượng rạn nứt. Để hỗ trợ bảo đảm an toàn cho công trình, năm 2004, TP đã đầu tư cống Liên Mạc 2 để giảm hỗ trợ và giảm xe chạy trực tiếp trên cống Liên Mạc. Trọng điểm thứ 2 là khu vực kè Xuân Canh - Long Tửu, đây là khu vực ngã 3 sông Hồng, sông Đuống là khu vực có dòng chảy biến động, địa chất phức tạp, thường xuyên xảy ra sự cố tại khu vực này xảy ra thường xuyên. Trọng điểm thứ 3 là cống Yên Sở, do từ khi xây đựng đến nay chưa trải qua mực nước cao, chưa chịu thử thách qua các đợt nước lũ báo động nên là vị trí trọng điểm quan tâm nếu có sự cố xảy ra. Hiện, TP đã xây dựng phương án hộ đê, bảo hộ trọng điểm năm 2017, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, kiểm tra thường xuyên đê điều, hồ đập; xử lý, báo cáo kịp thời mọi sự cố bất lợi xảy ra trên địa bàn quản lý ngay từ khi phát sinh.