Theo các DN vận tải, với quyết định duy ý chí của mình, Bộ GTVT đã khiến các DN mất hàng chục tỷ đồng, số tiền này sẽ chảy vào túi của chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Thiệt đơn, thiệt kép
Cụ thể, tại Thông báo số 1005 ngày 1/12 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký có quy định, từ 5/12 – 25/2/2016 tất cả xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ không đi vào QL5 cũ (đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh dài hơn 10 km), phải đi theo đường cao tốc mới Hà Nội - Hải Phòng. Theo lý giải của Bộ GTVT, hiện tại QL5 cũ đoạn từ Km 94 - Km 104 + 600 đang trong quá trình sửa chữa và thường xuyên xảy ra ùn tắc, TNGT.
Theo ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Hải Phòng, để tiết kiệm chi phí cầu đường, nhiều DN đã phải bỏ ra cả tỷ đồng mua vé tháng cho các đầu xe chạy trên QL 5, nay, Bộ GTVT ra thông báo cấm các xe trên 15 tấn chạy trên QL 5 khiến toàn bộ số vé tháng mà các DN đã mua trở thành… tờ giấy vụn. Thêm vào đó, bắt đầu từ 1/12, phí đường bộ trên QL 5 đã tăng lên gấp đôi, mỗi lượt đi về qua 2 trạm thu phí từ 320.000 đồng tăng lên 640.000 đồng/xe container. Trong khi đó, khi đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc mới, mỗi xe container chịu khoản phí cho mỗi lượt đi về là 1.680.000 đồng.
Theo phản ánh của các DN vận tải tại Hải Phòng, không chỉ gây khó khăn cho việc hoạt động kinh doanh của các DN, quyết định này của Bộ GTVT đã khiến nhiều DN vận tải rơi vào cảnh “có nhà nhưng không về được”. Ông Nguyễn Minh Châu - Giám đốc Công ty TNHH Lê Chân có trụ sở tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (tuyến đường nằm trong diện cấm), quận Hải An cho biết, công ty chúng tôi cũng như nhiều DN khác, trụ sở công ty cũng chính là kho bãi, nơi sửa chữa phương tiện… nếu cấm đường, thì với hơn 50 đầu xe hiện có chúng tôi sẽ gửi, sửa chữa xe ở đâu, rồi bao nhiêu khoản chi phí phát sinh nữa.
Chỉ DN làm đường là kinh doanh?
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết, việc cấm các xe tải trên 15 tấn lưu thông trên QL5 là giải pháp tình thế, các DN nên chia sẻ, tránh việc ùn tắc và đảm bảo ATGT. Cũng theo ông Sơn, UBND TP Hải Phòng sẽ kiến nghị với Bộ GTVT giảm phí trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để các DN có thời gian đàm phán mức giá mới với chủ hàng cho phù hợp, để hạn chế tối đa những tổn thất cho các DN.
Tuy nhiên, trước những kiến nghị về việc giảm phí cho các DN chỉ ảnh hưởng khi di chuyển trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, đây là việc không thể thực hiện được. Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GTVT, xe chạy sang đường cao tốc tốt hơn, nhanh hơn thì phải chấp nhận trả phí. Bên cạnh đó, đường cao tốc đầu tư nhiều tiền và để kinh doanh nên không ép chủ đầu tư giảm phí trong thời gian phân luồng được. Cũng theo ông Trường, mục tiêu của quốc gia khi làm đường cao tốc là để giảm tải cho QL, đặc biệt là QL đi qua đô thị. Cho nên trong tương lai đến lúc sẽ phân luồng cho xe tải nặng đi đường cao tốc để giảm xe quá tải đi vào TP Hải Phòng.
Trước tuyên bố này của Thứ trưởng Bộ GTVT, trao đổi với chúng tôi, nhiều DN vận tải tại Hải Phòng cho rằng, có lẽ với Bộ GTVT chỉ những DN làm đường mới là làm ăn kinh doanh còn các các DN vận tải thì không. “DN hay cá nhân đi làm, kinh doanh cũng nhằm mục đích kiếm tiền, nuôi gia đình. Nay, Bộ GTVT chỉ nghĩ đến DN làm đường mà làm khó cho các DN vận tải thì chúng tôi lấy gì để nuôi con cái, gia đình chúng tôi” - đại diện một DN bức xúc nói.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
|