Quan điểm của ông về việc Bộ VHTT&DL đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp không được lấy tên của danh nhân để đặt cho doanh nghiệp của mình như thế nào?
- Theo tôi được biết, Thông tư số 10 của Bộ VHTT&DL là văn bản thực hiện Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Việc làm này bắt nguồn từ một động cơ, mục tiêu tốt để tránh tình trạng lạm dụng hoặc tránh gây phản cảm, nhất là các ngành nghề, doanh nghiệp gặp những biến cố tiêu cực. Dù xuất phát từ mục đích tốt, song theo tôi quy định này chưa được chuẩn bị chín chắn vì đặt ra rất nhiều câu hỏi nhưng không trả lời được.
Trong lịch sử khi nói đến nền kinh tế kháng chiến chống Pháp đầu tiên, không ai không nhắc đến nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ ở chiến khu, rồi đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ban đầu không ai không tự hào về nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Việc đặt tên là một hình thức tôn vinh doanh nhân. Chưa nói đến vấn đề phức tạp, nếu coi hệ thống giáo dục tư thục là hình thức kinh doanh, nhiều trường học mang tên danh nhân là phương thức khá phổ biến và niềm tự hào. Vậy chúng ta xử lý vấn đề này như thế nào?
Sử dụng nhân vật lịch sử đặt tên có hai mục đích. Trước hết là tôn vinh, nhất là nhân vật gắn liền với địa phương, lĩnh vực hoạt động. Thứ hai là định vị về mặt địa lý. Trong vấn đề này, không chỉ doanh nghiệp, ngay cả Bộ VHTT&DL cũng lúng túng. Nếu mục tiêu vì giá trị văn hóa, trong lĩnh vực quản lý của Bộ VHTT&DL thì phải làm rõ. Tôi cho rằng, phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong lựa chọn tên, nếu tự hào thì phải phấn đấu sao cho xứng đáng với tên gọi đó chứ không nên để bê bối, hoặc một số ngành nghề cần tránh, nhất là các ngành nghề cảm giác gây phản cảm. Điều đó quan trọng hơn là cấm sử dụng tên danh nhân.
Tức là quản lý từ khâu đăng ký, thưa ông?
- Đúng vậy, cơ quan quản lý có thể tư vấn cho doanh nghiệp chứ không nên ngăn cấm, nhất là khi chưa biết được mục đích của họ là gì. Khi đặt tên, bản thân chủ doanh nghiệp cũng đã suy nghĩ vì nó liên quan đến thương hiệu của cả doanh nghiệp. Tôi nghĩ họ cũng cân nhắc rồi, nếu có gì đó không bình thường thì ta nên làm công tác tư vấn nhiều hơn là ngăn cấm.
Vậy, theo ông văn bản này liệu có phải chỉnh sửa hay thu hồi lại không?
- Tôi có viết thư cho Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đề nghị nên cân nhắc, đừng tạo ra cái gì sẽ gây khó xử, nhất là lúc này nó trở thành một phần thủ tục của doanh nghiệp trong khi chúng ta đang muốn tháo gỡ. Chúng ta cũng tôn trọng Bộ VHTT&DL vì theo tôi biết, quy định này thực hiện Nghị định của Chính phủ nhưng không vì thế mà chúng ta không điều chỉnh, nhất là khi xã hội đóng góp ý kiến, Bộ VHTT&DL cũng cần lắng nghe, báo cáo Chính phủ xin ý kiến để điều chỉnh lại.
Có ý kiến đưa ra cách giải quyết là những tên danh nhân đã được doanh nghiệp đặt cho doanh nghiệp rồi thì cứ để lại, còn những cái sau này thì điều chỉnh, theo ông liệu có hợp lý không?
- Nếu đặt vấn đề đó thì không còn liên quan đến ý nghĩa quan trọng nhất là bảo vệ giá trị văn hóa. Nếu thuần túy về kinh tế thì sẽ có chính sách mới, nhưng mục đích chính của việc lấy tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp là bảo vệ giá trị văn hóa thì không có lí do gì thì người trước làm được mà người sau không làm được. Hai đặc thù của Thông tư này liên quan đến văn hóa thì cần phải nhất quán, chưa nói đến chuyện hiện nay chúng ta chưa có chuẩn nào danh nhân. Tiêu chí đưa ra chưa rõ ràng thì không thể hướng dẫn thực hiện được. Theo tôi, Thông tư này ra đời nhưng nếu không thích hợp thì cần mạnh dạn sửa đổi, rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra tiêu cực trong xã hội.
Cũng liên quan tới vấn đề văn hóa, khi xây dựng hầm tòa Nhà Quốc hội, các chuyên gia khảo cổ học phát hiện di tích tế lễ Trời - Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý. Theo ông, với một công trình kiến trúc quan trọng như vậy, phương án bảo tồn sau khi lấp để giữ nguyên trạng như thế nào?
- Có hai phương thức bảo tồn, trong đó bảo tồn tại chỗ nếu không gian và điều kiện bảo quản không cho phép, có thể chôn lấp lại, sau khi đã xử lý nghiệp vụ. Sau đó khi có điều kiện thì khai quật lên. Có thể một phần những hiện vật cần được bảo quản trưng bày được di chuyển đi nơi khác trên cơ sơ hồ sơ kỹ càng. Theo tôi được biết, lúc đầu, cơ quan quản lý có ý định di chuyển đi nơi khác nhưng cũng gặp một vài trục trặc trong quá trình di chuyển ở hiện vật liên quan đến lĩnh vực tâm linh, sau đó đã có những phương án khác nhau.
Ở góc độ lịch sử, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng, ý nghĩa của di tích này so với Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao?
- Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao chúng ta đã hiểu rõ về công năng trong kết cấu của kinh thành rồi, còn di tích này mới, cần tiếp tục nghiên cứu, nhất là so sánh với các quốc gia khác xem có tương đồng không hoặc về quy mô, đặc sắc hay về kiến trúc.
Hiện tại, di tích này nằm cạnh công trình lớn là tòa nhà Quốc hội, công năng sử dụng dày đặc, liệu có cản trở công tác bảo tồn, nghiên cứu trong tương lai không, thưa ông?
- Như tôi đã nói, có nhiều phương pháp bảo tồn khác nhau. Có những cái để nguyên trạng tại chỗ, có cái để lưu trữ trong bảo tàng. Chắc chắn một phần không gian không nhỏ của khu Hoàng Thành phải lưu trữ dưới mặt đất. Đây là phương thức hợp lý khi chúng ta không có điều kiện bảo quản, nghiên cứu, trưng bày. Tốt nhất không gì hơn là để lòng đất giữ gìn như nó đã giữ gìn hàng ngàn năm nay. Chúng ta đã khẳng định đó là một công trình tôn giáo, nhưng nằm trong tổng thể như thế nào thì phải có nghiên cứu sâu hơn.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
|