Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xem nhẹ mục tiêu phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mục tiêu cốt lõi của nâng cấp đô thị là phát triển bền vững, nhưng mấy năm gần đây, các tỉnh, thành quá cấp tập trong quá trình thực hiện nên dường như đã xem nhẹ mục tiêu cốt lõi nêu trên. Thế nên, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại trước xu hướng nâng cấp đô thị đang lan rộng.

“Sính” các loại mác

Nhiều địa phương đã và đang có chủ trương đưa vùng tỉnh lên đô thị loại I với xu hướng mở rộng quy mô đất đai, phát triển theo chiều rộng, xây dựng các trung tâm hành chính tập trung tại các đô thị. Bởi thế, trong 15 năm phát triển, diện tích đô thị tăng gấp 4, trong khi dân số đô thị tăng gấp 2. Vấn đề đặt ra, theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, dù cả tỉnh phát triển thành thành phố, khu vực đô thị vẫn phải là đô thị, nông thôn vẫn là nông thôn, nếu không Việt Nam sẽ mất văn hoá truyền thống. Người ta nói làng quan họ chứ không nói thành phố hay thị xã Quan họ - ông Liêm lấy ví dụ.
 
Xem nhẹ mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Hội Kiến trúc sư đánh giá, phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị còn tùy tiện, chạy theo nguyện vọng của các chính quyền địa phương đã làm méo mó các chuẩn mực đô thị theo quan điểm cạnh tranh lành mạnh. Hệ quả là nước ta không có một đô thị nào lọt vào danh sách 15 đô thị quốc tế tiêu biểu của châu Á có sức cạnh tranh cao. Ông Hanh cũng cảnh báo, xu hướng sáp nhập các đơn vị hành chính có thể chỉ tạo ra một đô thị lớn về lượng, mà nhỏ về chất. Cứ như vậy thì biết đến bao giờ Việt Nam mới có các vùng đô thị lớn có sức cạnh tranh quốc tế cao (?).

Không chỉ thích nâng cấp, mở rộng quy mô, các địa phương còn có phong trào "thích tây làm quy hoạch đô thị". Lý giải cho tâm lý "Sính ngoại", ông Liêm nói: "Người ta đi thuê nước ngoài không phải là không có cơ sở. Tư vấn trong nước làm không bao lâu đã lạc hậu, phải điều chỉnh quy hoạch, nếu không nói là làm lại quy hoạch". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có chung quan điểm, tư vấn nước ngoài tham gia thiết kế kiến trúc thì "ổn" nhưng quy hoạch chưa hẳn đã hay.
Xem nhẹ mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 2
Nâng cấp đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhưng cần chú trọng tới mục tiêu bền vững. Ảnh: Duy Đàm

Chưa xứng tầm

Phân tích những tồn tại của nền kiến trúc nước nhà và quá trình phát triển đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, chất lượng đô thị còn thấp, phát triển theo chiều rộng là chủ yếu. Việc nâng cấp đô thị, lẽ ra lấy chất lượng làm chính thì hầu hết lại gắn với mở rộng quy mô. Vì vậy, có những đô thị phạm vi lớn nhưng bên trong chưa hoàn chỉnh, thiếu những công trình dịch vụ công cộng quan trọng và cần thiết. Công tác phát triển nhà ở mới chú trọng phát triển nhà ở mà chưa quan tâm nhiều đến nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo ở nông thôn và thành thị. Hướng đi của kiến trúc Việt Nam chưa rõ, lúng túng trong việc kết hợp tính dân tộc và hiện đại trong các công trình…

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tăng cường hợp tác trong môi trường hội nhập thế giới là cần thiết. Những gì Việt Nam chưa làm được phải thuê và hợp tác nước ngoài để học hỏi. Nhưng cái gì cũng thuê nước ngoài là không được, Bộ Xây dựng không đồng tình việc sao chép thiết kế, tư tưởng nước ngoài một cách phong trào, không chọn lọc.

Nguyên nhân của các tồn tại nêu trên là hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý phát triển đô thị còn thiếu, không đồng bộ, khập khiễng. Công tác quy hoạch dù rất được quan tâm nhưng chất lượng còn thấp, chậm và chạy theo phong trào. Đội ngũ làm quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi công tác thiết kế đô thị ít được quan tâm, công tác quản lý đô thị yếu, thiếu kế hoạch, thiếu đội ngũ quản lý, hành nghề quy hoạch - kiến trúc có chất lượng… Do đó, việc phát triển, nâng cấp đô thị tại Việt Nam chưa thật sự xứng tầm.

Để lập lại trật tự trong phát triển đô thị, khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư, về hệ thống pháp luật, hiện Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định đầu tư phát triển đô thị. Theo đó, đô thị sẽ được phát triển theo quy hoạch và kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, khai thác tài nguyên đất không hiệu quả.