Một trong những mục tiêu của đề án là xem xét thành lập ít nhất một Bệnh viện (BV) Lão khoa của TP Hà Nội.
Theo dự thảo, trong giai đoạn 1 của đề án (2017 – 2020), Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để thành lập BV Lão khoa tại Hà Nội. Đến giai đoạn 2 của đề án (2021 – 2025) sẽ mở rộng hoạt động của BV Lão khoa đã thành lập. Viện trưởng Viện Lão khoa T.Ư Phạm Thắng cho rằng, việc thành lập BV Lão khoa tại Hà Nội là rất cần thiết nhưng cần xem xét quy mô lớn nhỏ cụ thể như thế nào để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, trong đề án phải ghi rõ BV nào trên địa bàn Hà Nội phải thành lập Khoa Lão, BV nào chỉ cần có một số giường dành cho lão khoa, nguồn nhân lực cho Khoa Lão ban đầu chỉ cần các bác sĩ nội khoa, tránh tình trạng đòi hỏi nguồn nhân lực ngay ban đầu phải là bác sĩ lão khoa gây khó khăn trong việc thành lập. Đồng thời, TS Phạm Thắng nhấn mạnh, quần thể NCT là quần thể không đồng nhất, có người yếu, người khỏe nên đề án phải cho những chương trình phù hợp với từng độ tuổi của NCT. Bên cạnh việc xem xét BV Lão khoa Hà Nội, đề án còn đặt mục tiêu sẽ thành lập các Trung tâm CSSK NCT ban ngày tại tuyến y tế cơ sở.
Được biết, hiện tại Hà Nội mới có 5 BV công lập thành lập Khoa Lão là BV Đa khoa Đống Đa, BV Y học cổ truyền, BV Phục hồi chức năng, BV Tâm thần Hà Nội và BV Hoài Đức. Với số lượng bệnh nhân đến khám phần lớn là NCT khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, Giám đốc BV Đa khoa Đống Đa Lê Hưng mong muốn phát triển BV Đống Đa thành BV Lão khoa trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Theo TS Lê Hưng, trong thời gian tới, ngành y tế nên xem xét đưa chuyên ngành phục hồi chức năng vào Khoa Lão để tăng cường chất lượng CSSK cho NCT. Trước đó, để xây dựng dự thảo đề án, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã có cuộc khảo sát nhanh về tình hình CSSK NCT tại 584 xã, phường. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 90% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe. Đồng thời ít nhất 85% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tại Trạm Y tế tuyến xã. Tổng kinh phí chi cho đề án là trên 150 tỷ đồng, trong đó khoảng 30% là kinh phí xã hội hóa.