Hai ngày 12 và 13/4, Ngân hàng Nhà nước phát hành tiền loại mệnh giá 100 đồng với ý nghĩa như “quà” lưu niệm, được phát hành kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Nhà nước. Giá bán các loại tiền lưu niệm là 20.000 đồng/tờ loại tờ rời, 25.000 đồng/tờ loại Folder (bọc trong phong bì kèm chú thích song ngữ Việt – Anh).
Hai ngày qua, hàng trăm người đứng xếp hàng tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) chờ mua tiền lưu niệm.
Đồng tiền lưu niệm 100 đồng mang tính biểu tượng quốc gia, đồng thời cũng là món quà lưu niệm hiếm có
|
Trước sự việc trên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, đặc biệt trên các mạng xã hội tỏ ý phê phán người dân xếp hàng đi mua tiền. Các ý kiến này cho rằng, việc đứng hàng giờ đồng hồ, bỏ ra 20 nghìn đồng để mua tiền không có giá trị lưu thông là vô bổ, a dua theo phong trào...
Trái lại, người ủng hộ cho đây là dịp để có thể sở hữu một món đồ hiếm có. Quan trọng hơn, người mua đồng tiền lưu niệm 100 đồng không phải vì giá trị vật chất mà mang tính biểu tượng, ý nghĩa tinh thần. Người yêu mến, trân trọng đồng tiền Việt biểu tượng ấy cũng là một cách thể hiện tinh tự hào dân tộc.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động, giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn chia sẻ, phải hiểu đồng tiền lưu niệm theo đúng tinh thần của Ngân hàng Nhà nước thông báo, đó là món đồ mang ý nghĩa quà tặng, kỷ niệm. Như vậy, tờ tiền này cũng là một món đồ giống như con tem, quà lưu niệm trên phố Cổ Hà Nội bán cho khách du lịch...
“Tôi có người bạn thích sưu tập tem, cậu ấy vui vẻ, hạnh phúc bỏ tiền triệu ra để mua lại một con tem cũ kỹ, mà với tôi, con tem đó không có một chút giá trị gì. Như vậy, món đồ quý giá, quan trọng thế nào là ở cách nhìn nhận mỗi người. Họ có quyền lựa chọn, mua những món đồ mình thích.
Với người thích sưu tập, lưu niệm các tờ tiền, hẳn đây là dịp may để họ bổ sung vào bộ sưu tập của mình đồng tiền hiếm có”, ông Lê Anh Sơn chia sẻ.
Giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn
|
Ở các nước Thái Lan, Anh Quốc... từng phát hành tiền lưu niệm vào các sự kiện lớn của đất nước nên Việt Nam phát hành tiền lưu niệm cũng không phải chuyện mới. Hàng năm ngân hàng Mỹ vẫn in tờ 2 USD để du khách làm quà lưu niệm, may mắn... mà số tiền người mua bỏ ra sở hữu lớn hơn giá trị thực của 2 USD.
Ông Sơn cũng ấn tượng với hình ảnh khách du lịch nước ngoài xếp hàng chờ mua tiền lưu niệm. Đó là hình ảnh đẹp, cho thấy du khách mong muốn, trân trọng có được món hàng lưu niệm đặc biệt từ Việt Nam. Đồng tiền sẽ được người khách mang về nước, và sẽ là món quà kỷ niệm trong lần họ đến Việt Nam. Đồng thời quảng bá hình ảnhdu lịch Việt Nam.
Hãy thử hỏi cảm xúc của mua tiền lưu niệm là gì? Có hạnh phúc, vui vẻ, hay bị ép buộc hay mất tiền oan để mua không? Nếu không bị ép buộc, nếu sở hữu tiền lưu niệm mang lại kỷ niệm và niềm vui... thì tôi thấy mình hoàn toàn ủng họ niềm vui của họ.
“Tôi đọc trên mạng xã hội thấy một người quen của mình khoe sở hữu được 5 đồng tiền lưu niệm. Anh ấy khoe rằng tiền lưu niệm khá lạ nên tặng món quà độc đáo này cho người thân của mình. Tôi thấy việc này hoàn toàn chính đáng”, giảng viên cao ấp Lê Anh Sơn chia sẻ thêm.