Xét tuyển đại học: Trường Top trên nên có thêm kỳ sát hạch

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý cho kỳ xét tuyển sinh năm 2018, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT cho rằng, nên quy định ngưỡng điểm nhận hồ sơ đối với những trường có danh tiếng.

Hai kỳ thi để tìm ra thí sinh có năng lực
Năm nay, một số trường có ngành “hot” có nhiều thí sinh (TS) đạt điểm cao đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu không tăng, thậm chí giảm 50%, khiến điểm trúng tuyển lên tới 30 và cao hơn. Đây là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử tuyển sinh ĐH của Việt Nam. Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý giáo dục ĐH, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, việc sử dụng điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH chỉ phù hợp với những ngành có độ “hot” trung bình hoặc thấp. Với các ngành sức hấp dẫn cao cần có thêm kỳ thi trung tuyển để lựa chọn được người có năng lực phù hợp với ngành đào tạo.  Kỳ đầu tiên là sơ tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia. Kỳ thứ hai là trung tuyển, các trường dựa vào đặc trưng riêng cần xét tuyển cho từng ngành để tổ chức thi 1 môn, 2 môn hoặc thi vấn đáp. Việc này cũng giống như các trường chuyên về năng khiếu đang thực hiện. Ông Khuyến phân tích, Toán, Ngữ văn có thể điểm rất cao, nhưng môn Năng khiếu rất thấp vẫn trúng thì thật vô lý. Việc các trường giải quyết bằng việc môn chính nhân hệ số 2, 3 cũng không thật chuẩn xác.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Công Hùng

Thế nên, nhà trường nhận số lượng TS đăng ký nhiều gấp vài ba lần so với chỉ tiêu cần tuyển, sau đó tiến hành phỏng vấn trực tiếp hoặc tổ chức làm bài kiểm tra để chọn ra những người có năng lực. Tất nhiên, việc cộng điểm ưu tiên cho TS theo đối tượng và khu vực chỉ nên áp dụng đối với kỳ sơ tuyển, còn kỳ trung tuyển không cộng điểm và lấy điểm từ trên cao xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Cách làm này vừa đáp ứng yêu cầu của trường, vừa đảm bảo mặt bằng học vấn chung của xã hội. Nhiều nước hiện nay đang thực hiện theo hướng này, ở Việt Nam cũng có một số trường thực hiện như ĐH FPT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Lúc đó, rất có thể TS được 30 điểm thi THPT quốc gia vẫn trượt kỳ thi trung tuyển.
Nhận hồ sơ tương ứng với thương hiệu
Nhiều trường top trên quy định ngưỡng điểm đăng ký xét tuyển bằng sàn của Bộ GD&ĐT hoặc cao hơn ít, khiến nhiều TS ngộ nhận khả năng trúng tuyển cao là điều đáng bàn của mùa tuyển sinh năm nay. Theo quan điểm của ông Khuyến, điểm nhận hồ sơ phải tương ứng với thương hiệu của trường. Việc nhận hồ sơ ngưỡng điểm ngang sàn chỉ nên áp dụng với các trường top dưới, trường địa phương khó khăn trong tuyển sinh.
Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, trường đẳng cấp luôn nhận hồ sơ ở mức cao. Đơn cử hệ thống giáo dục tiểu bang California (Mỹ), từ nhiều năm nay có 3 nhóm trường. Nhóm trường đẳng cấp hệ ĐH có 9 trường đào tạo trình độ tiến sĩ. Nhóm thứ 2 gồm có 23 trường chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ. Nhóm cao đẳng cộng đồng có 105 trường. Chính quyền bang California quy định, trường top đầu chỉ được xét tuyển điểm cao ở top 1/8 TS tốt nghiệp THPT. Trường thứ hai được lấy TS ở top 1/3. Còn các trường top cuối được phép xét tuyển những TS còn lại điểm thấp hơn. ĐH Harvard nổi tiếng thế giới ý thức được thương hiệu của mình nên trong số 20.000 sinh viên chỉ có 5.000 thuộc hệ cử nhân, còn lại thuộc hệ đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Kết quả có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, dứt khoát chỉ tiêu tuyển sinh không được ở mức tối đa mà chỉ bằng 2/3 hay 1/2. Và hiện các trường đang đào tạo theo kiểu tích lũy kiến thức từng môn học, TS nào đạt ngưỡng điểm trung bình mới qua. Vì thế, điểm xét tuyển cũng nên tính theo từng môn để chất lượng đầu vào được cải thiện, thay vì cộng điểm của cả 3 môn như hiện nay.
"Mặc dù các trường được tự đề ra chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực, nhưng Bộ GD&ĐT nên có những hội đồng ngành để đánh giá khả năng đào tạo tối đa của từng ngành. Việc này tránh tình trạng trường ĐH chuyên đào tạo về công nghệ, nhưng có tới 80% chỉ tiêu cho các ngành kinh tế".
TS Lê Viết Khuyến
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần