KTĐT - Việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở TPHCM bắt đầu được thực hiện theo 2 hình thức thi tuyển và xét tuyển từ năm học 2006-2007.
Sau 4 năm thực hiện xét tuyển học sinh lớp 10 vào trường công, ngành giáo dục TPHCM đã giật mình nhìn lại những hệ lụy kéo theo từ hình thức tuyển sinh mới này.
Xét tuyển kiểu “lùa vào”
Việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở TPHCM bắt đầu được thực hiện theo 2 hình thức thi tuyển và xét tuyển từ năm học 2006-2007. Sau 4 năm, hình thức xét tuyển đã mở rộng từ 3 huyện với 12 trường THPT lên 7/24 quận huyện với 26 trường THPT. Số học sinh vào lớp 10 bằng xét tuyển chiếm 21,58% tổng HS vào lớp 10 trường công của thành phố.
Ngày 28/1/2010, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét tuyển. Ý kiến từ các trường tham gia xét tuyển đã cho thấy việc xét tuyển đang gặp nhiều vướng mắc, nhất ở phương thức thực hiện. Ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc sở nhận định: “Nếu làm không tốt không tác xét tuyển thì sẽ ảnh hưởng đến việc dạy học”.
Ông Nguyễn Hoài Chương cho biết một số trường có nhận thức sai về xét tuyển khi cho 100% HS đều được vào lớp 10 trường công. Xét tuyển cũng là một hình thức tuyển sinh, do đó phải có một lượng HS bị gạt ra, chuyển sang học trường nghề học hệ dân lập. Ông Chương gọi xét tuyển mà vào 100% là “lùa vào” chứ không còn là tuyển sinh nữa.
Hiện nay, ngành giáo dục TPHCM đang thực hiện 2 phương thức xét tuyển: theo địa bàn dân cư hoặc dựa trên xếp loại học lực, hạnh kiểm ở THCS. Nhưng dù là với phương án nào thì cũng có những lỗ hổng không giải quyết nổi.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhận định xét tuyển theo địa bàn dân cư đã dẫn đến việc chuyển hộ khẩu, chạy trường.
Còn ông Lâm Triều Nghi, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức cho biết năm 2009-2010 là năm đầu tiên trường thực hiện việc xét tuyển nhưng ông thấy nhiêu khê và mất nhiều công sức hơn hẳn việc tổ chức thi tuyển như mấy năm trước. Nếu thi tuyển chỉ mất có 6 ngày là xong thì khi xét tuyển trường phải mất đến 6 tuần lễ với nhân sự nhiều hơn. Ông Nghi đề nghị không nên xét tuyển theo địa bàn cư trú nữa vì dân chạy hộ khẩu dữ quá. Khu vực ở quanh Trường Nguyễn Hữu Huân, phường Trường Thọ trở thành điểm cho người dân nơi khác chạy tới nhập khẩu. Có nhà mấy mét vuông mà có đến 38 HS có hộ khẩu.
Trong khi đó, nếu xét tuyển dựa vào học lực và hạnh kiểm ở cấp THCS thì chỉ cần học lực trung bình, hạnh kiểm khá là HS đã có ngay một chỗ ở trường công lớp 10. Chưa kể nhiều thầy cô ở THCS cũng vì thương HS mà dễ dàng trong đánh giá xếp loại HS. Điều này cộng với việc chỉ tiêu cao hơn lượng HS tuyển đã dẫn đến một tình hình mà nhiều giáo viên đang báo động. Đó là HS THCS sau khi biết mình sẽ xét tuyển thì thiếu động cơ phấn đấu rèn luyện trong học tập. Giáo viên thì thiếu đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy.
Chính vì quá nhiều bất cập ở hai phương án xét tuyển hiện nay nên ông Lâm Triều Nghi đề xuất phương án xét tuyển mới. Đó là xét tuyển bằng bài thi học kỳ 2 năm lớp 9 ở các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Mỗi quận, huyện tự ra đề và sau đó chấm chéo. Ông Nguyễn Hoàng Việt, hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận thì cho rằng HS nào có nhu cầu học tập cao hơn thì thi tuyển, còn lại xét tuyển. Tuy nhiên, xét tuyển cũng phải có nguyện vọng 1, 2, 3.
Trước những đề xuất trên, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết trong những năm học tới sẽ vẫn áp dụng hình thức xét tuyển và có thể mở rộng sang những quận, huyện khác. Tuy nhiên, Sở sẽ đánh giá và tập huấn lại việc đánh giá của giáo viên với HS THCS để đảm báo khách quan, làm cơ sở cho việc xét tuyển vào lớp 10 công lập.