Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét tuyển sinh theo nhóm trường: Ảo sẽ nhiều

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD&ĐT tiếp tục tạo điều kiện cho các trường phối hợp thành nhóm để xét tuyển.

Theo các chuyên gia điều này không hẳn là tốt, thậm chí nguyện vọng “ảo” sẽ rất lớn và khó kiểm soát.
Nhóm nhỏ khó khả thi
Năm ngoái, 12 trường ĐH phối hợp thực hiện tuyển sinh theo nhóm GX có tỷ lệ ảo trung bình chiếm khoảng 15%. Trong khi đó, nhiều trường bên ngoài xét tuyển độc lập, trúng tuyển "ảo" 40%, 50%, thậm chí có nơi lên tới trên 60%. Với ưu điểm của việc xét tuyển theo nhóm hạn chế được tối đa "ảo", năm nay Bộ GD&ĐT tiếp tục cho phép các trường phối hợp thành nhóm để xét tuyển.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng việc này không khả thi với tình hình thực tế. Bởi theo Quy chế tuyển sinh 2017, trong đợt xét tuyển 1 thí sinh (TS) được đăng ký xét tuyển cùng với thời gian đăng ký dự thi. TS không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường khi đăng ký xét tuyển. Nhiều năm làm công tác tuyển sinh và theo dõi xét tuyển theo nhóm trong năm 2016, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông phân tích: Năm ngoái, khi TS tham gia tuyển sinh theo nhóm trường chỉ được đăng ký thêm một trường bên ngoài. Vì thế nhóm trường có thể kiểm soát được nguyện vọng khác của TS để trừ đi số trúng tuyển "ảo". Nhưng năm nay, tuyển sinh theo nhóm nhỏ không thể giải quyết được "ảo" khi TS được đăng ký 8, 9, 10,… nguyện vọng vào nhiều trường. Thậm chí "ảo" sẽ rất nhiều, vì nhóm trường không thể kiểm soát được số nguyện vọng bên ngoài của TS. “Năm nay anh nào vào nhóm nhỏ sẽ thất bại!” – ông Lập nhận định.

Giờ lên lớp của học sinh lớp 12D trường THPT Kim Liên, Hà Nội.  Ảnh:  Phạm Hùng

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng có thể nguyện vọng "ảo" rất nhiều bởi 2 lý do khi xét tuyển theo nhóm. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT để cho các trường tự liên kết với nhau, mà không có quy định xét tuyển chung theo từng cụm hay khu vực để giảm bớt "ảo". Thứ hai, khi các trường liên kết thành càng nhiều nhóm nhỏ thì "ảo" sẽ càng lớn, cho dù TS có vài ba nguyện vọng chứ chưa nói đến được đăng ký thoải mái ngành và trường. Theo ông Khuyến, đăng ký nhiều nguyện vọng chỉ khắc phục được ảo khi cụm lớn.
Phần mềm chung cũng khó chặn
Mùa tuyển sinh ĐH năm nay, để giảm lượng TS "ảo", các trường sẽ được nhập lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT danh sách TS trúng tuyển dự kiến. Qua đó, hệ thống xét tuyển chung sẽ tự loại bỏ những nguyện vọng thấp của TS trong trường hợp nhiều trường dự kiến trúng tuyển, để giữ lại nguyện vọng cao nhất. Với hỗ trợ này của Bộ GD&ĐT, nhiều trường phấn khởi vì giải được bài toán "ảo". Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, việc xét tuyển chung theo một nhóm lớn giống như thác nước chảy từ trên cao xuống, từ nguyện vọng lớn nhất của TS cho đến thấp hơn. Tuy nhiên, việc xét tuyển này "ảo" vẫn có, bởi phụ thuộc vào TS khi đã trúng tuyển lại không nhập trường vì lý do nào đó.
Yên tâm về việc xét tuyển theo phần mềm chung sẽ lọc "ảo" rất tốt. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Thủy lợi cho rằng điều các trường sợ nhất là việc lọc "ảo". Theo quy định, các trường gửi lên Bộ GD&ĐT dữ liệu danh sách trúng tuyển dự kiến để lọc "ảo". Trong trường hợp, số TS trúng tuyển bị thiếu so với chỉ tiêu, các trường sẽ hạ điểm chuẩn để có số lượng đủ. Vì Bộ GD&ĐT chỉ cho phép thực hiện chạy 2 lần, để phòng "ảo", có trường sẽ tuyển dư so với số chỉ tiêu đăng ký theo năng lực. Nếu TS đến nhập học đủ theo giấy gọi thì sẽ làm khó các trường. Như vậy, xét tuyển theo phần mềm chung vẫn có "ảo" hoặc các trường phải tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Một trường hợp "ảo" nữa chắc chắn sẽ xảy ra khi xét tuyển theo phần mềm chung của Bộ GD&ĐT, đó là nhiều trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kết quả học tập ở bậc THPT. Khi hai đối tượng TS được xét tuyển độc lập dẫn đến nguyện vọng "ảo" càng lớn. TS Lê Viết Khuyến cho rằng, "ảo" nhiều hay ít không phải ở chỗ TS được đăng ký nhiều hay ít nguyện vọng, xét tuyển theo hai hình thức mà cách tổ chức xét tuyển thế nào.
Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm thuật toán chấp nhận trì hoãn. Phần mềm cho phép xét tuyển chung trong nhóm cả hai loại thí sinh với vô số nguyện vọng, số trường mà vẫn lọc được ảo. Thế nhưng, đến giờ Bộ GD&ĐT vẫn chưa có ý kiến chấp nhận.