Xét xử đại án Oceanbank: Luật sư đòi hoàn trả số tiền 500 tỷ đồng cho Oceanbank

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm tại tiếp diễn với phần tranh tụng của luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank hiện nay). Tại tòa, luật sư cho rằng bà Hứa Thị Phấn hưởng lợi 500 tỷ đồng và phải hoàn trả số tiền này cho Oceanbank.

Trừ tiền thiệt hại còn hơn 1.200 tỷ đồng?
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Đình Hưng, Nguyễn Văn Đại và Nguyễn Thị Bắc là đại diện cho Ngân hàng TNHH MTV Oceanbank (Oceanbank mới). Theo luật sư Hưng, mình không phải là người đi buộc tội mà chỉ muốn truyền đạt những góc khuất pháp lý để HĐXX suy xét. Theo Quyết định 663 của Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu đã xác định mua bắt buộc toàn bộ 100% cổ phần Oceanbank với giá 0 đồng và chuyển đổi thành ngân hàng TNHH MTV do nhà nước sở hữu. Oceanbank mới lúc này kế thừa quyền, nghĩa vụ gánh thiệt hại của Ngân hàng Đại dương. Luật sư Hưng khẳng định, Oceanbank mới hoàn toàn có đủ tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án này.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 21/9.

Căn cứ vào kết luận điều tra và cáo trạng, khoảng thời gian từ năm 2010 - 2014, Oceanbank đã chi ngoài cho khách hàng là 1.576 tỷ đồng, trong đó có 246 tỷ chi cho Nguyễn Xuân Sơn và để Sơn phạm những tội khác. CQĐT đã tách 246 tỷ này ra khỏi tội làm trái, phần còn lại 1.330 tỷ đồng do các bị cáo ở đây thực hiện nguồn tiền từ 3 tài khoản để chi… Căn cứ vào quy định của pháp luật thì việc chi, động cơ, mục đích chi là không đúng, những việc hạch toán giúp rút những khoản tiền này ra là trái pháp luật, đã được CQĐT chứng minh là trái với quy định về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng.
Theo luật sư Hưng, mặc nhiên khi các bị cáo đã được xác định là vi phạm và làm trái quy định của pháp luật thì các bị cáo phải có trách nhiệm với sai phạm này, không phải là nguyên đơn dân sự đòi. Việc cá nhân những người nào phải chịu trách nhiệm đến đâu thì do HĐXX quyết định.
Luật sư Hưng phân tích, trong 1.576 tỷ đồng đã có 146 tỷ đã được hoàn lại cho Oceanbank trước khi khởi tố vụ án, sau khi trừ đi 49 tỷ do Nguyễn Xuân Sơn và 105 tỷ do Trần Đức Chính (trong một vụ án khác) nên trừ tiếp, vậy số tiền thiệt hại giảm còn 1.275 tỷ đồng. Thiệt hại này xảy ra trước khi Oceanbank bị mua 0 đồng.
Đối với nhóm 34 giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, luật sư Hưng cho rằng hành vi phạm tội là chung, họ là người thực hiện theo chỉ đạo nhưng tại sao các mức án lại có sự chênh lệch nhiều như vậy? Đối với các bị cáo ở hội sở, họ cũng chỉ là người thực hiện nhiệm vụ, việc kết án như vậy ảnh hưởng đến tư tưởng của những cán bộ làm việc tại ngân hàng, do đó khẩn thiết đề nghị HĐXX nhìn nhận lại để có một bản án tốt nhất.
Luật sư nêu ra vấn đề nếu đặt vụ án này trong hoàn cảnh cải cách tư pháp, BLHS 2015 sắp có hiệu lực, trong đó các hành vi liên quan đến tổ chức tín dụng đưa sang một điều khác thì những hành vi như thế này sẽ không bị coi là phạm tội...
Tiếp đó, luật sư Nguyễn Thị Bắc nhất trí với ý kiến của VKS về việc bị cáo Hứa Thị Phấn hưởng lợi 500 tỷ và phải hoàn trả khoản tiền này cho Oceanbank, kể cả tiền lãi. Luật sư Bắc không đồng ý với ý kiến của nhóm luật sư bào chữa cho bà Phấn cho rằng bị cáo này không có trách nhiệm dân sự với Oceanbank.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng, người chịu trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Oceanbank hiện nay. Ảnh: TTXVN.
Theo đó, căn cứ vào tài liệu điều tra, sau khi số tiền 500 tỷ được giải ngân vào tài khoản của Trung Dung rồi chuyển sang tài khoản của 3 cá nhân và Phạm Công Danh. Qua một số bước nữa, bị cáo Danh lấy số tiền trên cùng với tiền của mình đã nộp 593 tỉ đồng vào tài khoản của 5 cá nhân nhóm bị cáo Phấn...
PVN bác bỏ việc nhận lãi ngoài từ Oceanbank
Luật sư Nguyễn Văn Thái, người bảo vệ quyền lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đề nghị HĐXX xem xét toàn diện, trong trường hợp xác định được cá nhân, tổ chức nào có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của PVN, thì căn cứ vào Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên buộc các tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho PVN theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư cũng kiến nghị HĐXX lưu tâm trong quá trình đưa ra phán quyết, loại bỏ thuật ngữ hay bất kỳ các cụm từ nào như cáo trạng đang sử dụng có hàm ý “PVN nhận lãi ngoài hợp đồng tiền gửi” hay “chi chăm sóc khách hàng PVN”, tránh dư luận có những cách hiểu lệch lạc về bản chất vụ việc, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của PVN.
Bởi lẽ, qua hồ sơ vụ án, diễn biến công khai tại phiên tòa, Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của PVN cho thấy, hoàn toàn không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào cho thấy PVN có nhận tiền “lãi ngoài hợp đồng tiền gửi” hay “tiền chăm sóc khách hàng” từ Oceanbank.
Ngoài ra, đại diện cho PVN, luật sư Hoàng Văn Dũng xin bổ sung thêm: Theo điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự thì chúng tôi không có quyền đưa ý kiến về số phận pháp lý của các bị cáo… Mong tòa lưu tâm nghị quyết 41/2017 của Quốc hội về thi hành BLHS năm 2015. Trong đó (BLHS 2015), hành vi cố ý làm trái đã được loại bỏ nên mong tòa xem xét các quy định của luật 2015 và nghị quyết 41 đã phi hình sự hóa hành vi của các bị cáo. Mong tòa thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần