Xét xử đại án Oceanbank: Luật sư lần lượt “gỡ tội” cho Nguyễn Xuân Sơn như thế nào?

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/9 phiên tòa xét xử đại án Oceanbank tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư đối đáp với Viện Kiểm sát (VKS). Luật sư của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng không thỏa mãn với đối đáp của VKS, đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung về tội Tham ô của cựu TGĐ Oceanbank.

Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Minh Tâm  bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn nói: "Ngày 14/9, sau khi nghe lời luận tội của Viện kiểm sát, chúng tôi nhận định Viện Kiểm sát không chứng minh tội mà chỉ suy đoán theo tư duy áp đặt, bất lợi cho Nguyễn Xuân Sơn, vi phạm nguyên tắc tư duy logic. Ví dụ, trong giai đoạn 2011-2014 Nguyễn Xuân Sơn không còn ở Oceanbank nhưng để quy buộc, VKS cho rằng trước khi về làm việc tại PVN Sơn đã bàn bạc với Thắm để chi lãi ngoài. Mặc dù, chúng tôi đã trình bày cụ thể từng luận điểm nhưng VKS không hề đối đáp trở lại. Do vậy phần đối đáp của VKS ngày hôm qua làm chúng tôi không thỏa mãn”.
Theo luật sư Tâm, đây là vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định số phận pháp lý và số phận Nguyễn Xuân Sơn và để tránh oan sai. Vị luật sư bào chữa cho cựu TGĐ Oceanbank cho rằng: Việc kết tội Sơn chiếm đoạt số tiền ngoài 20 tỷ là 1 sự vội vã. Nếu kết án Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó thì việc khởi tố điều tra 3 vụ án kia sẽ không có ý nghĩa gì. Nếu kết quả điều tra 3 vụ án kia là đúng sự thật, trong khi Sơn bị án tử hình thì giải quyết hậu quả sai lầm này thế nào, đây là điều tôi băn khoăn trăn trở từ chính lương tâm của mình.
 Các bị cáo tại phiên tòa ngày 23/9.

Luật sư nói: “Có sự tác nhân nào giữa hành vi Sơn và một số người khác yêu cầu nào, chúng tôi đã chứng minh không có sự khác nhau nào nên không thể tách hành vi để xử lý riêng. Các hành vi này cùng tính chất, cùng dòng chảy đồng tiền của PVN, cùng đối tượng, nhưng VKS đã tách hành vi của Sơn ra để quy buộc chiếm đoạt 49 tỷ đồng của PVN và 197 tỷ đồng của Oceanbank… Căn cứ pháp lý nào để VKS tách buộc hành vi của Nguyễn Xuân Sơn như vậy?”.
Đối với tội danh Tham ô mà VKS cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn, luật sư tranh luận: VKS vẫn không chứng minh được tội phạm mà chỉ áp dụng nguyên tắc suy đoán khi cho rằng Sơn là người đại diện của PVN nên phải chịu trách nhiệm về số tiền của PVN tại Oceabank. Chủ thể của tội Tham ô và tội Lạm dụng chức vụ, phải chứng minh Sơn là người có chức vụ và quyền hạn tại Oceanbank, đó là quản lý tiền, mà tiền của Oceanbank nằm trong tài khoản. Sơn có thể với tư cách là người đại diện 20% phần vốn có quyền đặt bút ký cho kế toán phải chi cho mình hay không? Nếu vậy tất cả các cổ đông đều có quyền đó.
Luật sư Tâm cũng cho rằng, VKS đã không chứng minh mà quy chụp Sơn là người đại diện vốn của PVN tại OceanBank. Theo luật sư, trong suốt thời gian làm đại diện Nguyễn Xuân Sơn không nhận bất kỳ đồng nào từ OceanBank, vấn đề này cần được xem xét.
 Luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa.

Đối với tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, luật sư Tâm cũng cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để quy kết bị cáo Sơn phạm tội. Vì theo luật sư, tại tòa, bị cáo Hà Văn Thắm đã khẳng định bị cáo Sơn không thể chiếm đoạt được tiền của Oceanbank và cũng không có quy định nào cho phép TGĐ có quyền chi phối, áp đặt với chủ tịch HĐQT.
Đưa ra những lập luận, luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn tái khẳng định thân chủ của mình không phạm vào tội “Tham ô tài sản” cũng như tội “Lạm dụng, chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Sau cùng vị luật sư nêu giả thuyết nếu bị cáo Sơn chiếm đoạt tiền thì chiếm đoạt bằng phương thức, thủ đoạn như thế nào?.
Tại tòa, luật sư của Nguyễn Xuân Sơn cũng đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung về tội Tham ô của Nguyễn Xuân Sơn về các khoản chi cho các đối tượng. Luật sư đề nghị VKS ghi nhận và trả lời luật sư bảo vệ cho ông Ninh Văn Quỳnh khi ông này đề nghị HĐXX tách 2 tội “Tham ô” và “Lạm dụng, chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” ra để nhập với các vụ án vừa được khởi tố (3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vietsovpetro, công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn và tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí)…
Cũng tại phiên tòa, bào chữa cho cựu nữ TGĐ Oceanbank Nguyễn Thị Minh Thu, luật sư Đỗ Mạnh Trường cho rằng, sự đột phá trong khoa học pháp lý của VKS khi xem xét hành vi cấu thành tội phạm dựa trên việc xét xử công khai, rất có ý nghĩa trong đời sống xã hội, là diễn biến mang tính bước ngoặt của HĐXX. Đối với lỗi của yếu tố đồng phạm về mặt khoa học pháp lý thì phải là lỗi cố ý gián tiếp. Bị cáo Thu không hề biết mục đích chi của số tiền 12,9 tỷ đồng nên bị cáo Thu không chung ý chí với Ông Sơn và ông Thắm. Mặt khác, cũng chưa xác định là lợi nhuận của BSC. Do đó không có căn cứ để kết luận bị cáo Thu là đồng phạm với Thắm và Sơn để chiếm đoạt tiền. Luật sư đề nghị VKS tuyên bị cáo Thu không vi phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Đối với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Trường đề nghị HĐXX cần giảm trừ trách nhiệm cho thân chủ của mình một số khoản tiền hàng trăm tỷ liên đới một số lãnh đạo khối hội sở. Ngoài ra cũng cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cựu nữ TGĐ Oceanbank giống như một số bị cáo thuộc lãnh đạo các khối Hội sở Oceanbank…

Phiên tòa ngày 22/9, đại diện VKS TP Hà Nội cho biết: Theo kết luận, hành vi chi lãi ngoài của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền 1.576 tỷ đồng. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng nhờ chi lãi ngoài nên Oceanbank mới huy động được tiền gửi, thu lợi và tránh đổ bể cho ngân hàng. Do vậy, số tiền nay không thể coi là thiệt hại… Trước lập luận này, đại diện VKS khẳng định: Cơ quan truy tố căn cứ chứng cứ lời khai, chứng cứ thấy rằng số tiền này là trái quy định của NHNN đến nay không có chứng từ hợp lệ và không có khả năng thu hồi. Hậu quả của việc làm trái nêu trên không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn là tiền đề để tội phạm tham nhũng phát triển.

Theo đại diện VKS, liên quan đến số tiền 1.576 tỷ đồng đã có các bị cáo bị buộc tội danh tham ô tài sản và tiếp tục có các vụ án khác đang khởi tố. Hậu quả nghiệm trọng hơn là đánh mất lòng tin của người dân vào các tổ chức khi tiền chủ yếu từ các khách hàng lại rơi vào tay một số khách hàng. Đồng thời, cũng góp phần đẩy nợ xấu của OceanBank. Trong thời gian 2010-2014, Oceanbank đã chi 1.576 tỷ đồng chi ngoài lãi suất. Trong số này có 246 tỷ đồng được chi cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt đã cấu thành tội Tham ô tài sản và Lạm dụng quyền hạn để chiếm đoạt...

                                                                                        


 
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần