Xét xử giai đoạn 2 “đại án” VNCB: Đề nghị thu 6.126 tỷ đồng là không thuyết phục

Trúc Mai (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 46 bị cáo thuộc các ngân hàng BIDV, Sacombank, TP Bank, VNCB và 29 giám đốc công ty tuy chưa tuyên án vì phải trả hồ sơ cho VKSND Tối cao điều tra bổ sung, nhưng để lại trong dư luận nhiều câu hỏi về các con số lên tới nhiều ngàn tỷ đồng.

 Các bị cáo tại phiên tòa
Trong 6 vấn đề mà HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh phiên sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), cho rằng dù đã tranh luận và đối đáp công khai tại tòa nhưng vẫn chưa thể làm rõ. Trong đó có số tiền trên 6.126 tỷ đồng mà đại diện VKSND đề nghị thu hồi từ 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TP Bank. 
Để dư luận hiểu thêm vì sao giữa đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh với đại diện các ngân hàng và luật sư bảo vệ ngân hàng có những cuộc tranh luận “nảy lửa” về số tiền trên, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
- PV: Thưa luật sư, tại tòa đại diện VKSND cho rằng những người có trách nhiệm của 3 ngân hàng quyết định cho vay có sự thỏa thuận trước và chỉ nhằm vào tài sản bảo đảm (TSBĐ) là tiền gửi của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNBC), từ đó bỏ qua các điều kiện cho vay theo Luật các TCTD và quy chế 1627 là vi phạm pháp luật, dẫn đến thiệt hại số tiền trên 6.126 tỷ đồng?

- Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Nhận định này hoàn toàn không có căn cứ, không tôn trọng sự thật khách quan của vụ án. Bởi lẽ lời khai của Phạm Công Danh và các đồng phạm khác ở CQĐT và tại tòa thể hiện rất rõ BIDV không hề biết những việc làm sai trái của bị cáo Danh, và không có sự thỏa thuận trước.

Việc bị cáo Danh gặp lãnh đạo BIDV chỉ với mục đích duy nhất là giới thiệu khách hàng, là các công ty phù hợp với thỏa thuận hợp tác triển khai gói 4 nhà được BIDV và VNCB ký tháng 5/2013 trên tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 và Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 7/1/2013.

Việc đại diện VKSND cho rằng BIVD cho vay chỉ nhắm vào TSBĐ là tiền gửi của VNCB là không đúng. Tại BIDV, nếu có thỏa thuận trước và chỉ nhắm vào TSBĐ là các Hợp đồng tiền gửi của VNCB, thì quy trình đã đơn giản hơn rất nhiều (có thể đã xử lý phán quyết ngay một cấp tại Hội sở chính), chứ không phải qua nhiều công đoạn phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều cấp xử lý với sự tham gia của nhiều cán bộ có chức trách, với các điều kiện chặt chẽ theo quy trình cấp tín dụng.

BIDV cũng khẳng định không bỏ qua bất kỳ điều kiện cho vay nào theo điều 7 quy chế 1627; 5 điều kiện cho vay đã được các chi nhánh BIDV đánh giá đầy đủ tại báo cáo thẩm định cho vay, trong đó điều kiện về TSBĐ chỉ là một trong 5 điều kiện. BIDV quyết định cho vay dựa trên năng lực tài chính, vốn tự có bằng tiền mặt lớn (30%), phương án kinh doanh khả thi có lãi có thể trả được đầy đủ gốc và lãi cho ngân hàng mà không phải cho vay để mong chờ xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, mong chờ thu hồi tiền gửi của VNBC.
 Bị cáo Phạm Công Danh
- PV: Đại diện VKSND cũng cho rằng 3 ngân hàng cho bị cáo Danh vay tiền dựa trên bảo lãnh của VNBC là có hành vi cố ý làm trái khoản 3 điều 126 Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD)?

- Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Chúng tôi khẳng định không vi phạm khoản 3 điều 126 Luật các TCTD. Bởi lẽ, khoản 3 điều 126, nêu: “TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại khoản 1 điều này. TCTD không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để TCTD khác cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại khoản 1 điều này”.

Khoản 1 Điều 126 quy định: TCTD không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau: “Thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên BKS, Tổng giám đốc, Phó TGĐ và các chức danh tương đương của TCTD, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT, thành viên BKS của TCTD là công ty cổ phần”.

Khi BIDV cho 12 công ty vay vốn tại BIDV có sự bảo lãnh (cầm cố) một phần bằng tiền gửi của VNCB là tuân thủ quy định pháp luật về cho vay. Hồ sơ pháp lý của 12 công ty này (gồm Đăng ký kinh doanh, Điều lệ tổ chức và hoạt động, Bản xác nhận góp vốn điều lệ thể hiện) đã chỉ rõ đây là những pháp nhân hoàn toàn độc lập với cá nhân ông Phạm Công Danh.

Theo Luật Doanh nghiệp và theo Bộ luật dân sự (BLDS) thì 12 công ty này là những pháp nhân hoàn toàn độc lập với cá nhân ông Phạm Công Danh. Cá nhân nào đứng tên là người sáng lập, sở hữu công ty đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý về các giao dịch do người đại diện hợp pháp của họ xác lập.

Mọi lời khai của ông Phạm Công Danh và các đồng phạm khác từ CQĐT và tại tòa đều cho thấy họ đã cố tình lập các công ty và thuê người làm Giám đốc nhằm qua mặt các cán bộ BIDV. Chỉ đến khi điều tra vụ án, BIDV mới được CQĐT Bộ Công an cho biết về các thông tin trên. Vì vậy, BIDV không vi phạm khoản 3 điều 126 Luật các TCTD.
 Bị cáo Trầm Bê
- PV: Nhưng đại diện Viện KSND vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng BIDV, Sacombank và TP Bank dùng tiền bảo lãnh cầm cố của VNCB để thu nợ là sai. Và vì đấy là tiền được hình thành chủ yếu từ huy động vốn dân, nên phải thu hồi trên 6.126 tỷ đồng từ BIDV, Sacombank và TP Bank để trả lại cho CB Bank?
- Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Như tôi đã nói việc gửi tiền và nhận tiền gửi làm tài sản cầm cố là hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với BLDS, nghị định 163 và nghị định 57 của Chính phủ. BIDV không xử lý TSBĐ là khoản tiền gửi và đã hoàn trả đầy đủ cả gốc là 3.070 tỷ và lãi là 71.947 triệu đồng cho VNCB. Do vậy không thể yêu cầu BIDV phải trả thêm một lần nữa cho khoản tiền gửi này. Điều này là trái pháp luật và thông lệ quốc tế. BIDV không bỏ mặc hậu quả xảy ra, không chấp nhận việc có thể bị mất tiền. Ngay khi kiểm tra việc sử dụng vốn vay sau giải ngân, các chi nhánh đã yêu cầu khách hàng cung cấp hóa đơn, chứng từ nhưng không được đáp ứng, BIDV đã nỗ lực, kiên quyết yêu cầu khách hàng thanh toán nợ trước hạn. Vì thế BIDV thu được cả gốc và lãi không thiệt hại bất kỳ đồng vốn nào sau khi được 12 công ty trực tiếp thực hiện việc trả nợ bằng UNC từ tài khoản thanh toán của khách hàng.

Việc quy kết BIDV bỏ mặc hậu quả xảy ra, chấp nhận việc có thể bị mất tiền là mang tính quy chụp và suy diễn. Việc VKSND cho rằng 3 ngân hàng dùng tiền bảo lãnh cầm cố của VNBC để thu nợ là không hợp lý. Bởi lẽ pháp luật không có quy định nào cấm hoặc hạn chế việc TCTD sau khi huy động vốn thì không được gửi tiền tại các TCTD khác (huy động từ thị trường 1 để gửi tiền tại thị trường 2). Pháp luật cũng không có quy định nào hạn chế các TCTD được sử dụng tiền huy động để sử dụng cho các mục đích được phép khác của TCTD (như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh).

Bản chất pháp lý của việc nhận tiền gửi từ dân cư là một hợp đồng vay tài sản (Ngân hàng vay tiền từ cá nhân, tổ chức khác). Theo điều 472 BLDS 2005 (nay là điều 464 BLDS 2015): Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Hay nói cách khác, VNCB là chủ sở hữu số tiền huy động từ dân cư kể từ thời điểm nhận tiền và có toàn quyền sử dụng số tiền đó theo các mục đích được pháp luật cho phép.

Mặt khác, vốn huy động từ dân cư cũng chỉ một trong các nguồn vốn kinh doanh của TCTD, được hòa chung từ nhiều nguồn vốn khác nhau nên việc đưa ra lý lẽ tiền gửi để cầm cố cho 3 ngân hàng chủ yếu hình thành từ vốn huy động của dân để buộc 3 ngân hàng trả lại trên 6.126 tỷ đồng cho CB Bank là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Chưa kể, theo kết luận điều tra vụ án, kết luận giám định số 7405 ngày 10/10/2016, số 1637 ngày 16/03/2017 và số 2391 ngày 05/04/2017 của Đoàn Giám định Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc thu hồi nợ của BIDV là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận của các bên tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố đã ký và phù hợp với các quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật các TCTD năm 2010 và điều 56 nghị định 163/NĐ-CP.
Xin cảm ơn luật sư!