Xét xử Hoa hậu Phương Nga lừa đại gia 17 tỷ đồng

Hà Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoa hậu Phương Nga bị VKS truy cứu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139, khoản 4 Bộ Luật hình sự có án phạt đến tù chung thân.

Hôm nay (21/9), TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Trương Hồ Phương Nga, sinh năm 1987 và Nguyễn Đức Thùy Dung , sinh năm 1989, cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bà Phương Nga chính là Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007, sau khi đoạt vương niệm đã về Việt Nam sống và làm MC, diễn viên...
 Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga sáng nay (21/9) tại tòa. Ảnh: TC

Đúng 8 giờ sáng, bà Nga và Dung được xe Cảnh sát hộ tống đưa vào khuôn viên tòa án.

Vừa bước xuống xe, Hoa hậu đảo mắt tìm người thân rồi được Cảnh sát đưa vào phòng xét xử.

Trong trang phục màu kem, trên làn da trắng, Hoa hậu Phương Nga trông khá tươi tỉnh, nhiều người ‘khen’ Hoa hậu vẫn rất xinh.

Bà Phương Nga phạm tội và bị bắt khẩn cấp vào ngày 19/2/2015 tại nơi cư trú (quận 2, TP Hồ Chí Minh). Hơn một năm điều tra, ngày 29/7/2016, VKS đã ban hành cáo trạng và TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa này.
 Đồng phạm với Hoa hậu là bà Nguyễn Đức Thùy Dung. Ảnh: TC

Theo cáo trạng bà Trương Hồ Phương Nga đã nói với ông CTM (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) rằng có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường.

Tin lời, ông CTM đưa Nga 6 tỷ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5, nhưng Nga không giao nhà, tiếp đến Nga nói với ông CTM có căn nhà có giá 16,5 tỷ đồng ở quận 1, lần này ông CTMđưa cho Nga 10,5 tỷ đồng.

Sau khi đưa cho Nga 16,5 tỷ đồng mà không có nhà, ông CTM làm đơn tố cáo với cơ quan công an.

Cáo trạng cũng cho rằng Nga đã bàn với Nguyễn Đức Thùy Dung làm giả một số giấy tờ, nhằm mục đích chứng minh Nga không dính líu tiền bạc gì với ông CTM và Kết luận điều tra cũng truy cứu Dung tội danh như Nga.Thẩm phán Vũ Thanh Lâm - Chủ tọa phiên tòa - cho biết, dự kiến sẽ xét xử trong hai ngày 21, 22/9.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân.

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần