Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử nghiêm khắc đối với những vụ án tham nhũng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 22/3, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trực tiếp trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chánh án Trương Hoà Bình về những vấn đề liên quan đến việc xét xử, thi hành án.
 
Xét xử nghiêm khắc đối với những vụ án tham nhũng - Ảnh 1
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình.Ảnh: tienphong.vn

 
 
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, tính đến ngày 30/9/2012, toàn ngành Toà án nhân dân có 13.026 người. Mặc dù trung bình mỗi năm, số lượng các loại vụ án mà toàn ngành phải thụ lý, giải quyết tăng khoảng trên 30.000 vụ án các loại, nhưng các Tòa án vẫn đảm bảo về tiến độ giải quyết, khắc phục có hiệu quả việc để các vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật và chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án cũng ngày càng được nâng lên, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán đều giảm hơn so với các năm trước.

Đối với những bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán, hội đồng xét xử, gây thiệt hại nghiêm trọng tới lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất bình trong dư luận thì phải tổ chức ngay việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để có biện pháp xử lý nghiêm khắc, báo cáo nêu rõ.

Chánh án Trương Hòa Bình cũng khẳng định, tiếp tục thực hiện chủ trương tạm dừng tái bổ nhiệm các thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy, sửa cao (hơn 1,16% trên tổng số vụ án đã xét xử). Trong thời gian tạm dừng việc tái bổ nhiệm thì áp dụng biện pháp cho đào tạo, bồi dưỡng lại hoặc đối với những thẩm phán có tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan trên 3% (trong một năm hoặc trong quá trình nhiệm kỳ tính đến thời điểm phát hiện) hay có bản án có sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của đương sự phải bị tạm đình chỉ xét xử để kiểm điểm trách nhiệm, chuyển công tác khác...

Trả lời câu hỏi chất vấn của các ĐB về các vụ án tham nhũng được xét xử quá nhẹ, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, trong việc xét xử của tòa án, chất lượng xét xử thống kê theo hàng năm đã có kết quả đạt tỷ lệ chất lượng xét xử tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn có những vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng cũng có dư luận đánh giá chưa tốt như việc đưa ra xét xử ít, mức án còn nhẹ. Chánh án chia sẻ: “Không loại trừ là có tiêu cực trong các quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Chúng tôi cũng cảm ơn các cơ quan đã quan tâm và phản ánh".

 Về giải pháp khắc phục tình trạng án treo còn nhiều đối với tội phạm chống tham nhũng, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Án treo là chế định được quy định trong pháp luật hình sự của chúng ta, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, là biện pháp để miễn giam giữ có điều kiện, mà điều kiện cơ bản là tội ít nghiêm trọng, mức án dưới 3 năm, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Tòa án nhân dân Tối cao căn cứ vào quy định đó của pháp luật để áp dụng. Hiện cũng đang xây dựng một nghị quyết mới quy định chặt chẽ về điều kiện cho hưởng án treo. Đối với nhóm tội tham nhũng thì chủ trương là với những người chủ mưu, thì dù đã khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, nhân thân tốt… thì cũng không cho hưởng án treo.