Xét xử sai phạm tại SAGRI: Bị cáo Lê Thị Diệp Cẩm che giấu tội phạm ra sao?

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 19 bị cáo bị đưa ra xét xử với 4 tội danh, có một bị cáo duy nhất bị xử tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 2 điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015, là Lê Thị Diệp Cẩm.

Nhận quyết định thanh tra, lên ngay phương án đối phó

Ngày 8/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Che giấu tội phạm” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.
 Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ngồi giữa là bị cáo Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI.
Trong phiên xét xử này, có hai bị cáo xin được xét xử vắng mặt, gồm: Hồ Văn Ngon (SN 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc SAGRI), hiện đang điều trị tại bệnh viện; Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1980, nguyên Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI), có chồng mắc Covid-19, nên bị cáo trở thành F1 và đang cách ly tại nhà.
Trong 19 bị cáo của vụ án, duy nhất Lê Thị Diệp Cẩm (SN 1981, nguyên Phó trưởng Phòng Hành chính SAGRI) bị truy tố tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 2 điều 389 Bộ luật Hình sự 2015, mức án từ 2 - 7 năm tù.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, vào cuối tháng 8/2016 và tháng 10/2016, Lê Tấn Hùng bàn bạc, chỉ đạo Nguyễn Thị Thúy (SN 1966, nguyên Kế toán trưởng SAGRI) và Mai liên hệ Công ty CP du lịch Thanh niên xung phong (TNXP) và Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế lập, ký khống 10 hợp đồng cho hàng trăm cán bộ, nhân viên SAGRI đi du lịch, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để chiếm đoạt 13.346.990.000 đồng của SAGRI.
Sau khi đã thực hiện chi - nhận, thanh lý hợp đồng, hai công ty du lịch trả lại 70% số tiền tổng giá trị các hợp đồng khống cho SAGRI. Số tiền 30% còn lại, hai công ty du lịch giữ lại vì chưa thỏa thuận xong việc chia nhau tiềm tham ô.
Ngày 22/12/2016, Thanh tra TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch 38/KH-TTTP về công tác thanh tra năm 2017, trong các đơn vị được thanh tra, có SAGRI. Ngày 23/3/2017, Thanh tra thành phố có quyết định thanh tra toàn diện SAGRI, với yêu cầu SAGRI cung cấp hồ sơ liên quan 10 hợp đồng du lịch. Sau khi nhận được kế hoạch và quyết định thanh tra, nhằm che giấu hành vi phạm tội, Lê Tấn Hùng chỉ đạo Mai, Thúy soạn thảo các văn bản, lấy số, đóng dấu, chèn vào hệ thống văn thư của SAGRI và Phòng Nhân sự hành chính, liên hệ với hai công ty du lịch để hợp thức hồ sơ cung cấp cho Đoàn thanh tra; Lập bảng kê các khoản đã chi, tính toán số tiền đã sử dụng để Hùng lấy tiền cá nhân bù vào số tiền đã tiêu xài và cùng với hai công ty du lịch hợp thức việc chuyển trả lại tiền cho SAGRI.
Bị cáo Cẩm cùng đồng phạm che giấu tội phạm thế nào? 
Khoảng đầu tháng 7/2017, Lê Tấn Hùng chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Nhựt - Phó Bí thư Đảng ủy SAGRI ký hợp thức kế hoạch 633/KH-TCT ngày 1/7/2016 về việc tham quan học tập. Lê Thị Diệp Cẩm biết rõ việc Hùng cùng đồng phạm chiếm đoạt tiền của SAGRI, nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của Hùng, Mai để soạn thảo các văn bản nhằm hợp thức hồ sơ, hợp đồng tham quan du lịch đã ký khống và quyết toán khống năm 2016. Sau đó đóng dấu, chèn số vào hệ thống số sách văn thư…, để che giấu hành vi của Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tham ô 13.346.900.000 đồng.
Cụ thể, Cẩm soạn thảo tờ trình, biên bản để hợp thức, hoàn thiện hồ sơ hợp đồng du lịch năm 2016 cung cấp cho Đoàn thanh tra: 4 tờ trình; Việc chọn đối tượng du lịch, học tập kinh nghiệm năm 2016 và chọn đơn vị cung ứng dịch vụ. Trên cơ sở 4 Tờ trình, Lê Tấn Hùng ký 10 quyết định gồm: Quyết định (Số 912/52-TCT ngày 8/9/2016; Số 920/QĐ-TCT ngày 9/9/2016; Số 1055, 1056, 1057, 1058, 1059/QĐ-TCT ngày 10/10/2016; Số 1149 và 1150/QĐ-TCT ngày 1/11/2016; Số 1156/QĐ-TCT ngày 2/11/2016) về việc chấp thuận cho cán bộ, nhân viên đi nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm.
Sau đó, các bị can tại SAGRI thỏa thuận với các bị can tại hai công ty du lịch để hợp thức các hợp đồng. Đối với Công ty CP Du lịch TNXP, tổng giá trị của 6 hợp đồng là 4.970.900.000 đồng. Lê Tấn Hùng cùng đồng phạm thống nhất với công ty này tổ chức cho 36 lượt cán bộ, nhân nhân viên SAGRI đi du lịch Nhật trong năm 2017 (Đợt 11/4/2017 - 18/4/2017, cho 20 người đi với số tiền 859.800.000 đồng; Đợt 19/4/2017 - 26/4/2017, cho 16 người đi với số tiền 719.840.000 đồng), với số tiền 1.579.640.000 đồng, lấy từ 1.491.270.000 đồng Công ty Du lịch TNXP giữ lại từ năm 2016 chưa chia với SAGRI. Số tiền còn thiếu theo 6 hợp đồng khống đã ký, các bị can dùng tiền cá nhân chuyển cho nhau, sau đó Công ty CP Du lịch TNXP chuyển qua ngân hàng trả lại cho SAGRI.
Sau khi cân đối các khoản chi cho việc tổ chức cho cán bộ SAGRI du lịch khống năm 2017 và số tiền các bên đã rút ra chia nhau trong năm 2016. Lê Tấn Hùng đưa cho Thúy, Mai, Cẩm 3.515.990.000 đồng để chuyển cho Đỗ Sĩ Hoài Thanh (SN 1977, nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Du lịch TNXP, gồm 3.479.630.000 đồng chia nhau năm 2016 + 36.360.000 đồng tiền bồi dưỡng cho lái xe, hướng dẫn viên du lịch năm 2017).
Ngày 21/7/2017, Cẩm chuyển trực tiếp 1.891.260.000 đồng cho Thanh tại một ngân hàng. Cũng trong tháng 7/2017, tại Công ty CP Du lịch TNXP có một người giao tiếp số tiền 1.624.730.000 đồng của SAGRI cho Thanh, nhưng Thanh khai không nhớ người chuyển.
Ngày 25/7/2017, Trần Văn Trường (SN 1976, nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch TNXP) chỉ đạo Nguyễn Văn Hiếu và Thanh ký 7 ủy nhiệm chi, chuyển 3.391.260.000 đồng từ tài khoản của Công ty CP Du lịch TNXP đến tài khoản của SAGRI.
Đã thu hồi 13.346.900.000 đồng các bị cáo tham ô
Đối với hành vi hợp thức 4 hợp đồng ký khống với Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế, tổng số tiền 8.376.000.000 đồng, cũng được Lê Tấn Hùng cùng đồng phạm dùng cách thức như trên. Theo đó, Hùng và đồng phạm thống nhất với công ty lữ hành này tổ chức cho 84 lượt cán bộ, nhân viên SAGRI đi du lịch Hàn Quốc trong năm 2017, với số tiền 2.057.940.000 đồng. Việc tổ chức chuyến đi Hàn Quốc lấy từ 2.512.800.000 đồng, là tiền công ty lữ hành giữ lại từ năm 2016 chưa chia với SAGRI. Số tiền còn thiếu theo 4 hợp đồng đã ký, các bị can dùng tiền của cá nhân chuyển cho nhau, sau đó Công ty Lữ hành Hòa Bình Quốc tế chuyển qua ngân hàng trả lại cho SAGRI.
Cụ thể, từ ngày 10/4/2017 đến 15/4/2017, tổ chức di du lịch cho 29 lượt cán bộ, công nhân viên với số tiền 712.530.000 đồng. Từ ngày 18/4/2017 đến 22/4/2017, cho 30 lượt của bộ, công nhân viên đi du lịch với số tiền 737.100.000 đồng. Từ ngày 8/5/2017 đến 13/5/2017, tổ chức đi du lịch cho 25 cán bộ, công nhân viên với số tiền 608.310.000 đồng. Sau khi cân đối các khoản chi tham quan du lịch năm 2017 với số tiền chi khống năm 2016, Lê Tấn Hùng chỉ đạo Thúy đưa tiền (Lấy từ số tiền Hùng đã được chi tiêu rồi tự đưa lại trước đó và số tiền chiếm đoạt được mà Hùng giao cho Thúy và Mai quản lý) để Mai chuyển bằng tiền mặt cho Nguyễn Thị Nguyên Hương, thủ quỹ Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế 6.449.520.000 đồng (5.863.200.000 đồng ăn chia năm 2016 + 586.320.000 đồng 10% hoa hồng năm 2016 - 454.860.000 đồng tiền thừa sau khi cân đối chi phí du lịch năm 2017).
Ngày 25/7/2017, bị can Đoàn Quang Hồi, Nguyễn Thị Nguyên (Giám đốc, kế toán trưởng Công ty Lữ hành Hòa Bình quốc tế) ký 3 ủy nhiệm chi chuyển 6.318.060.000 đồng từ tài khoản của công ty đến tài khoản của SAGRI. Số tiền 586.320.000 đồng còn thừa không nhập vào hệ thống số sách kế toán của Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế, vì Hồi và Nguyên đã sử dụng.
Theo cáo trạng, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, toàn bộ 13.346.900.000 đồng bị chiếm đoạt đã được khắc phục hoàn trả cho SAGRI. Còn bị can Lê Thị Diệp Cẩm, tuy không tham gia thực hiện giúp sức các bị can khác tham ô tài sản, nhưng Cẩm biết rõ hành vi phạm tội của Lê Tấn Hùng cùng đồng phạm. Sau đó có hành vi thực hiện theo chỉ đạo của Hùng, Mai để cùng các nhân viên rút tiền từ hai công ty du lịch về đứng tên gửi tiết kiệm và rút ra sử dụng theo chỉ đạo của Hùng. Đến khi bị phát hiện, Cẩm đã cùng các bị can khác hợp thức hồ sơ, hợp đồng…, nhằm che giấu hành vi phạm tội của Lê Tấn Hùng và các đồng phạm.