Xét xử siêu lừa Huyền Như: Vietinbank không phải trả 1.085 tỷ cho 5 công ty

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là quyết định của HĐXX tuyên vào lúc 19h25 tối 9/2. HĐXX cũng tuyên xử Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân (trước đó bị cáo đã mang án chung thân), Võ Anh Tuấn 7 năm tù (tổng hợp 2 bản án là 27 năm tù).

 Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại tòa
Ngày 9/2, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh). Phiên xử kéo dài đến 19h25 tối cùng ngày.
Thêm án chung thân đối với Huyền Như

Tại tòa, đại diện Viện KSND cho rằng hành vi chiếm đoạt trên 1.085 tỷ đồng của 5 công ty: Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên (Công ty Hưng Yên), Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (Công ty ORS), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc (Công ty An Lộc) là hành vi lừa đảo, không phải tham ô tài sản. Vì vậy Huyền Như phải có trách nhiệm trả trên 1.085 tỷ đồng cho 5 công ty nêu trên. Đại diện Viện KSND cũng đề nghị HĐXX tuyên mức án chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như, và mức án từ 12-14 năm đối với Võ Anh Tuấn.

Ngay sau khi Viện KSND luận tội, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (bào chữa cho Huyền Như) cho rằng cần truy trách nhiệm của VietinBank đã có nhiều sơ hở tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo. Dù có nhiều đoàn kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện hành vi của Như. Các công ty cũng có lỗi khi cho vay để hưởng lãi cao.

“Trong phiên tòa, các luật sư đề nghị triệu tập điều tra viên và đại diện Viện KSND Tối cao. Vì tháng 1/2014, Như đã bị tuyên chung thân. Đến năm 2015, tòa phúc thẩm cho rằng 1.085 tỷ đồng là tham ô của VietinBank, nhưng khi điều tra lại xác định Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một hành vi truy tố 2 lần là bất hợp lý, trái pháp luật”, luật sư Quỳnh Thi nêu quan điểm.

Đến 19h25, sau khi nghị án HĐXX tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân (tổng hợp 2 bản án là chung thân), bị cáo Võ Anh Tuấn 7 năm tù (tổng hợp 2 bản án là 27 năm tù).
Một số ngân hàng lập công ty sân sau để cho vay lãi cao

Luật sư Nguyễn Văn Ngoan (bào chữa cho Huyền Như) lập luận: “Huyền Như chiếm đoạt được tiền của 5 công ty là do chính những sai phạm, sơ hở, tắc trách của chủ tài khoản. Các công ty đều có người đại diện thỏa thuận ngoài với Như về việc gửi tiền vượt trần quy định. Các công ty thực chất là sân sau của các ngân hàng nhằm che dấu giao dịch gửi tiền sai quy định (Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc là trung gian của Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TP Bank; Công ty Hưng Yên là trung gian của Ngân hàng TMCP Hàng Hải).

Tài khoản thanh toán của các công ty này, mở tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh là theo sự sắp đặt của Như để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp với Như nhằm kiếm lời, không phải để thanh toán cho hoạt động của đơn vị mình. Thậm chí chủ tài khoản trao quyền quản lý, định đoạt tài sản cho Như ngay từ khi thực hiện giao dịch, chưa ký hợp đồng nhưng vẫn chuyển tiền đến (Công ty An Lộc).
 Toàn cảnh phiên tòa
Trong qúa trình bị giam giữ bị cáo Huyền Như đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp 8 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả. Hoàn cảnh bị cáo bị tạm giam khi dang mang thai 5 tháng, sinh con trong trại giam. Chị gái của Như là Huỳnh Thị Mỹ Hạnh cũng đang thụ án 14 năm tù vì đồng phạm với Như. Vì vậy mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt dưới mức đề nghị của Viện KSND”, luật sư Ngoan nói.
5 công ty cùng yêu cầu Vietinbank bồi thường

Tại tòa, tất cả các luật sư bảo vệ cho 5 công ty nêu trên đều có chung quan điểm cho rằng lỗi thuộc về Vietinbank. Vì vậy Vietinbank phải có trách nhiệm trả tiền gốc và lãi suất cho 5 công ty theo quy định của pháp luật. Luật sư Nguyễn Minh Tâm và luật sư Nguyễn Thị Minh Phương (bảo vệ quyền lợi cho SBBS), khẳng định: “Tài khoản do SBBS mở tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh là hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật. Điều này đã được chính đại diện Vietinbank xác nhận trước phiên tòa. Vietinbank đã có lỗi trong việc để Huyền Như chiếm đoạt tiền từ tài khoản của SBBS.

Căn cứ pháp lý để đưa ra kết luận này là điều 12 của quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tổ chức tín dụng ban hành kèm theo quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của NHNN. Chính những sơ hở trong cơ chế quản lý nghiệp vụ nội bộ Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của SBBS”.

Cũng theo luật sư Tâm, trong các đơn yêu cầu gửi TAND và tại phiên tòa này, đại diện SBBS đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của SBSS buộc Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho SBBS số tiền vốn gần 210 tỷ đồng, lãi phát sinh theo quy định của pháp luật trên 15 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, số tiền 1.085 tỷ đồng (số làm tròn) mà Huyền Như chiếm đoạt của 5 công ty: trên 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên, trên 170 tỷ đồng của Công ty An Lộc, 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông, gần 125 tỷ đồng của Công ty Toàn Cầu, gần 210 tỷ đồng của Công ty SBBS, HĐXX tuyên Huyền Như phải trả, trong đó bị cáo Tuấn Anh liên đới trách nhiệm số tiền trên 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên. Như vậy Vietinbank không phải trả cho 5 công ty số tiền trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần