Xét xử vụ Ethanol: Cha Trịnh Xuân Thanh vắng mặt dù được triệu tập, ủy quyền cháu nội dự tòa

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh đề nghị TAND TP Hà Nội cho người thân của ông dự tòa và có báo chí tham dự đưa tin.

Ngày 8/3, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ.

HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do Thẩm phán Vũ Quang Huy là chủ tọa phiên tòa. Ba kiểm sát viên của Viện KSND Tối cao (được biệt phái về Viện KSND TP Hà Nội) và một kiểm sát viên của Viện KSND TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trước tòa 

Trong phần thủ tục, các luật sư đề nghị triệu tập thêm ông Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng giám đốc PVC; đề nghị triệu tập đại diện Công ty Alfa Laval – đơn vị tham gia liên danh cùng PVC xây dựng dự án Ethanol Phú Thọ.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị được cho gia đình mình tới dự tòa. Cũng theo bị cáo Thanh, đây là phiên tòa công khai nên cần có báo chí tham dự, đưa tin.

Sau hội ý, chủ tọa cho biết ông Vũ Đức Thuận đã được triệu tập nhưng ông này đang thi hành án ở xa, không thể tới dự. Ông Thuận trước đó bị phạt án tù trong vụ án tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Chủ tọa Vũ Quang Huy thông tin thêm, Alfa Laval là doanh nghiệp nước ngoài, hiện không còn hoạt động ở Việt Nam nên không thể triệu tập.

Với yêu cầu của Trịnh Xuân Thanh, chủ tọa nói phiên tòa diễn ra trong tình hình dịch Covid - 19 nên không thể triệu tập đông người nhưng tòa đã triệu tập ông Trịnh Xuân Giới (bố đẻ bị cáo Thanh) tới tham dự. Ông Giới lại ủy quyền cho Trịnh Hùng Cường (con bị cáo Thanh) đến dự.

Về công tác báo chí, tòa án cho biết đã thực hiện đúng theo quy định. Các phóng viên đưa tin được bố trí một phòng riêng để theo dõi phiên xử. Vì vậy, chủ tọa quyết định tiếp tục làm việc, mở đầu bằng viện kiểm sát viên công bố cáo trạng.

Trước đó, ngày 22/1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này. Nhưng phiên toà đã phải tạm hoãn ngay ở phần thủ tục do vắng mặt bị cáo Trần Thị Bình (cựu Phó Tổng Giám đốc PVN) phải đi cấp cứu vì bệnh và có đơn xin hoãn phiên tòa. Bị cáo Lê Thanh Thái (cựu cán bộ Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí- PVB) cũng đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để bị cáo được gặp luật sư chỉ định cho mình. Đại diện PVN, đại diện PVB, đại diện Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng nhiều cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án dù đã được toà triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt.

Cùng hầu toà với bị cáo Đinh La Thăng là 11 bị cáo khác gồm: Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam- PVC); Vũ Thanh Hà (SN 1962, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí- PVB); Trần Thị Bình (SN 1958, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN); Phạm Xuân Diệu (SN 1960, cựu Tổng Giám đốc PVC); Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1958, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC); Đỗ Văn Quang (SN 1972, cựu Trưởng Ban Kinh tế kế hoạch, sau đổi tên là Ban Kinh tế đấu thầu- PVC); Nguyễn Xuân Thủy (SN 1961, cựu Phó Trưởng Phòng đầu tư dự án- PVB); Khương Anh Tuấn (SN 1975, cựu Phó Trưởng Phòng Thương mại- PVB); Lê Thanh Thái (SN 1960, cựu Trưởng Phòng Kinh doanh- PVB); Hoàng Đình Tâm (SN 1981, cựu Kế toán trưởng PVB); Đỗ Văn Hồng (SN 1967, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc- PVC Kinh Bắc).

Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về hai tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Đỗ Văn Hồng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Đinh La Thăng và 9 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án, cơ quan truy tố xác định năm 2007, PVN thành lập PVB để làm chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ và cho mời thầu xây dựng nhà máy bằng hình thức “chìa khóa trao tay”. Thấy vậy, PVC thành lập liên danh đấu thầu xây dựng dự án này nhưng bị từ chối vì không đủ khả năng.

Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh liên tục đề nghị giảm yêu cầu với nhà thầu và sau đó xin cho PVC được nhận thầu theo hình thức chỉ định. Ông Đinh La Thăng cũng tác động để liên danh của PVC được chỉ định thầu một cách trái pháp luật. Liên danh của PVC sau đó được thi công nhưng đến năm 2013 phải dừng lại vì không đủ năng lực, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng phát hiện Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ của mình, cấu kết với Đỗ Văn Hồng để mua khu đất rộng 3.400m2 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) bằng tiền công, gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần