Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại MB24

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/6, TAND TP Hà Nội đưa vụ lừa đảo tại Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến...

Kinhtedothi - Ngày 25/6, TAND TP Hà Nội đưa vụ lừa đảo tại Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) ra xét xử. Ba bị cáo phải hầu tòa gồm: Ngô Văn Huy (SN 1973), Lê Văn Cường (SN 1975) cùng trú tại huyện Từ Liêm (cũ), TP Hà Nội và Nguyễn Mạnh Hà (SN 1980, trú tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Các đối tượng này bị truy tố về tội "Sử dụng mạng, máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo. Theo cáo trạng, khoảng tháng 5/2011, Nguyễn Tuấn Minh, Ngô Văn Huy và Lê Văn Cường thành lập MB24. Công ty do Minh làm Chủ tịch HĐQT phụ trách hành chính và kế toán; Huy làm giám đốc phụ trách phát triển thị trường; Cường làm phó giám đốc phụ trách về truyền thông.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Mặc dù không được Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng Minh, Huy, Cường và Hà đã tuyên truyền trên muaban24.vn là sàn giao dịch thương mại điện tử và tạo ra các gian hàng ảo nhằm chiếm đoạt tiền. Mặt khác, khi muaban24.vn mới thành lập, các đối tượng đã tự động cho vào hệ thống hơn 17.000 hội viên từ Công ty Tâm Mặt Trời (trụ sở tại Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh) sang nhưng không phải nộp tiền, mục đích là để lừa các thành viên vào hệ thống MB24.

Phụ trách về phần công nghệ thông tin, Nguyễn Mạnh Hà sử dụng các thủ đoạn tuyên truyền lôi kéo bán gian hàng ảo trên website muaban24.vn cho người khác, lấy tiền của hội viên sau trả tiền cho hội viên trước, tạo ra một tài khoản để đưa tiền ảo vào hệ thống rồi rút tiền thật của các hội viên để chiếm đoạt. Trong thời gian hoạt động, MB24 đã phát triển được 5 chi nhánh trên địa bàn TP Hà Nội. Các chi nhánh đăng ký kinh doanh, tự động và hoạch toán độc lập. Chi nhánh chi trả tiền hoa hồng cho MB24 khi có hội viện mới tham gia.Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 - 7/2012, Minh và đồng phạm đã bán được 121.349 gian hàng ảo với số tiền trên 631 tỷ đồng, sau đó, Minh và đồng bọn rút tiền chiếm đoạt của các hội viên gần 31 tỷ đồng. Số tiền này được các đối tượng tiêu xài vào việc cá nhân.

Cáo trạng cũng cho biết, hiện có hơn 100 bị hại có đơn trình báo yêu cầu bồi thường và xử lý các đối tượng trong MB24 theo quy định của pháp luật. Đối với Nguyễn Tuấn Minh - Chủ tịch HĐQT MB24, ngay khi các đồng phạm bị sa lưới pháp luật, đối tượng này đã nhanh chân tẩu thoát với số tiền tỷ thu được từ hoạt động sai phạm của MB24. 

Đại diện Viện Kiểm sát đã lần lượt đưa ra các câu hỏi cho các bị cáo. Khi được hỏi về vai trò, nhiệm vụ của mình, bị cáo Hà cho biết mình chỉ đảm nhận công việc dựng và thiết kế kỹ thuật. Về việc Cường và Huy nhận bao nhiêu tiền, Hà không biết chính xác nhưng cũng cho biết các thành viên đều nhận được tiền như nhau. Việc đưa tiền ảo vào hệ thống, Hà làm theo chỉ đạo của Minh. Bị cáo Cường cho biết được nhận khoảng 3 tỷ đồng do Nguyễn Tuấn Minh đưa. Bị cáo Huy cho rằng không phụ trách các nhân viên truyền thông của MB24, phần đào tạo là do Trần Quý Hồng phụ trách. 

HĐXX chỉ rõ, việc tự tăng điểm ồ ạt, có thể tạo ra hàng trăm, hàng triệu, hàng tỷ điểm trong hệ thống MB24 khiến nhiều người lao vào mua điểm gây thiệt hại lớn. Một số người còn rủ rê họ hàng, anh em vào mua các gian hàng gây hại cho xã hội. Số điểm này không được bảo đảm bằng tiền mà chỉ là giá trị ảo và đây chính là mấu chốt của vụ án. Ngoài ra, HĐXX cũng phân tích dịch vụ của MB24 không được phép thu tiền, ví dụ như hệ thống của Gmail, Facebook đưa ra cộng đồng được đón nhận và sử dụng rộng rãi nhưng không thu tiền. Còn MB24 bán các gian hàng, bán theo hình thức đa cấp, tự đặt ra số tiền, điều này là sai trái.

Ngày 26/6, Tòa tiếp tục làm việc.