Tài liệu đưa ra tại phiên tòa công bố các số liệu của vụ án tín dụng đen một thời đình đám của Hà Nội. Vụ án có 11 bị hại, khoảng 50 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tài sản bị chiếm đoạt là 213 tỷ đồng và 404 cây (lượng) vàng.
Bà Phạm Thị Biển (Hà Nội) là chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc tại huyện Thường Tín (Hà Nội). Quá trình kinh doanh, Nguyễn Thị Cúc có đem vàng đến bán tại tiệm vàng của bà Biển. Mỗi lần bán, Cúc bán với số lượng lớn, có lần 20 cây, lần 50 cây, thậm chí 100 cây. Thông thường, việc mua đi bán lại một chỉ vàng, tiệm vàng chỉ lãi 2.000 - 3.000 đồng, nhưng do Cúc “thoáng” tính, thường bán với giá mềm, nên mỗi chỉ, bà Biển được lãi 5.000 đồng, thị trường tốt thì còn lãi 10.000 - 15.000 đồng. Khi đó, Cúc là một “đại gia” có tiếng trong giới kinh doanh vàng bạc nên bà Biển nhiều lần cho Cúc vay tiền. Lần đầu, Cúc hỏi vay 2 tỷ đồng vào ngày 24/8/2011, bà Biển đã gật đầu ngay. Khi đó, Cúc đưa bà Biển 38 cây vàng SJC và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm tin. Đến tháng 9, Cúc lại vay của bà Biển 2,2 tỷ đồng, quy đổi ra 50 cây vàng SJC, 2 ngày sau, Cúc tiếp tục vay của bà Biển 800 triệu đồng, tương đương 20 cây vàng… Tính tổng cộng, Cúc vay của bà Biển hơn 5 tỷ đồng, trong đó có hơn 3 tỷ đồng được quy đổi tương đương 70 cây vàng, cấn trừ số vàng Cúc đã đưa còn 34 cây vàng. Như vậy, Cúc còn nợ bà Biển 2 tỷ đồng và 34 cây vàng. Tuy nhiên, bà Biển cho biết, bà không cho Cúc vay tiền, mà là ứng trước tiền bán vàng cho Cúc. Khi đó, Cúc bảo có khách bán vàng cho Cúc, song Cúc lại kẹt tiền nên muốn bà Biển trả tiền trước, sau đó Cúc trả vàng cho bà Biển sau. Sau khi có thông tin Cúc bỏ trốn, bà Biển đã làm đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan công an xác định, Cúc lợi dụng quen biết để vay tiền vàng của một số người ở Phú Xuyên và Thường Tín (Hà Nội) để kinh doanh vàng và bất động sản. Trong thời gian từ đầu năm 2008 đến tháng 10/2011, Cúc vay tiền của nhiều người, lãi suất 4,5 - 7,5%/tháng. Do vay với lãi suất cao, kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ, vào giai đoạn cuối, hầu hết số tiền Cúc vay được dùng trả nợ tiền lãi cho các khoản vay trước đó. Ngoài bà Biển, Cúc còn chiếm đoạt tài sản của 10 người khác. Chị Phùng Thị Phương Anh, từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2011 đã cho Cúc vay 14 lần, với tổng số tiền là 76,4 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Bích Vân cho Cúc vay tổng cộng 88,5 tỷ đồng; sau khi Cúc bỏ trốn, chồng Cúc đã gán nợ một ngôi nhà với giá 5 tỷ đồng, còn 83,5 tỷ đồng chị Vân chưa đòi được. Chị Nguyễn Thị Thủy thì cho Cúc vay 8 lần, với tổng số tiền là 13,8 tỷ đồng và nhận 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tin. Khi vay, Cúc nói là để kinh doanh vàng và bất động sản, lãi suất theo Cúc khai là 6%/tháng và đã trả lãi 3,6 tỷ đồng. Đối với trường hợp chị Nguyễn Thị Hà, ngoài 4,1 tỷ đồng tiền mặt, chị Hà còn cho Cúc vay 370 cây vàng SJC để kinh doanh và hẹn 10 ngày sau trả. Quá hẹn, chị Hà đòi nhưng Cúc khất lần rồi bỏ trốn. Tổng cộng trong vụ án này có 11 người cho Cúc vay tiền, vàng. Để có tiền cho Cúc vay, những người này huy động của gia đình và người quen. Riêng đối với trường hợp chị Nguyễn Thị Hà, chị đã vay của 30 người khác, chồng chị Hà vay của 10 người khác và gom góp thêm tiền, vàng của gia đình. Như vậy, có tới gần 50 người bị liên quan trong vụ án này. Đối với số tiền, vàng đã chiếm đoạt được, Cúc dùng để mua ô tô, 8 bất động sản, nội thất khác, tổng cộng là 39 tỷ đồng trong tổng số 233 tỷ đồng vay được. Số tiền còn lại, Cúc sử dụng để chi tiêu cá nhân, trả nợ gốc và nợ lãi khoảng 20 tỷ đồng cho những người Cúc đã vay trong vụ án này cũng như các trường hợp vay khác. Với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới 213 tỷ đồng và 404 cây vàng, cáo trạng của Viện KSND TP. Hà Nội đã đề nghị khung hình phạt từ 20 năm đến chung thân cho hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Cúc. Tuy nhiên, do phiên tòa vắng mặt 3 bị hại, thiếu cơ sở làm rõ một số hành vi của Cúc cũng như người bị hại, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội đã đề nghị hoãn phiên tòa, dự kiến trong tháng 12 sẽ mở lại.