Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa bỏ những rào cản với phụ nữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo “Thúc đẩy an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra sáng 21/4, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề cập tới không ít rào cản đối với người phụ nữ...

Tại hội thảo “Thúc đẩy an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra sáng 21/4, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề cập tới không ít rào cản đối với người phụ nữ: Còn những khoảng trống trong môi trường lao động làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của lao động nữ; Phải làm nhiều công việc không lương khiến phụ nữ không có nhiều cơ hội việc làm và tạo thu nhập…

Sức khỏe và đời sống bị ảnh hưởng

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội nhấn mạnh: “Tổ chức thực hiện tốt hệ thống chính sách về an sinh xã hội có ý nghĩa trong đảm bảo ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xây dựng một xã hội văn minh và hiện đại. Tại Việt Nam, hệ thống chính sách lao động việc làm và an sinh xã hội đã được hình thành và phát triển từ nhiều thập kỷ, ngày càng có nhiều nhóm đối tượng được tham gia và hưởng lợi từ các chính sách này, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái”.
Khu sản xuất dành cho phụ nữ có thai tại Công ty Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long.  	Ảnh: Quỳnh Anh
Khu sản xuất dành cho phụ nữ có thai tại Công ty Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Quỳnh Anh
Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới. Các mục tiêu thiên niên kỷ đã đạt được, đặc biệt trong 2 lĩnh vực giáo dục và y tế cho phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, theo bà Shoko Ishikawa - Trưởng đại diện UN Women (Cơ quan của Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ) tại Việt Nam: “Định kiến về giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn đang tồn tại. Điều này dẫn đến việc phụ nữ bị hạn chế tham gia vào thị trường lao động. Rất nhiều phụ nữ bị trả công rẻ mạt, đặc biệt trong nền kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội tiếp cận vào hệ thống an sinh xã hội”. Chứng minh cho điều bà Shoko nói, đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, đa phần lao động nữ trong các khu công nghiệp tuổi đời còn trẻ, do đó, tình trạng tăng ca, tăng giờ làm đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần, lối sống của lao động nữ. Không những thế, trường hợp chủ DN bỏ trốn, nhiều lao động nữ mang thai đã đóng bảo hiểm xã hội không được giải quyết quyền lợi... Đó thực sự là những khoảng trống ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của lao động nữ.

Đảm bảo bình đẳng giới

Có một thực trạng đang diễn ra ở Việt Nam và nhiều nước là sự phân biệt giới, phụ nữ bị phân biệt đối xử. Đặc điểm của phụ nữ là mang thai và sinh con nên cần có thời gian nghỉ làm, đã hạn chế cơ hội thăng tiến cũng như quãng thời gian đóng góp về phát triển kinh tế. Có một số ngành nghề như công nghệ thông tin, kỹ thuật, thông thường nam giới được ưu tiên hơn cũng khiến phụ nữ bị hạn chế cơ hội tiếp cận. Phụ nữ cũng phải dành quá nhiều thời gian vào các công việc không được trả lương (chăm sóc trẻ em, chăm nuôi người già, nội trợ) nên ít có cơ hội tham gia vào các hoạt động ngoài thị trường.

Để giúp phụ nữ giảm bớt phải làm những công việc không lương, bà Shoko Ishikawa cho rằng, vấn đề quan trọng là chúng ta phải nhận biết được những việc nào chúng ta đang làm. Vì mỗi ngày chỉ có 24 tiếng, phụ nữ không thể làm chu toàn việc nhà mà vẫn có thể tham gia công việc bên ngoài thị trường để tạo ra thu nhập. Khi đã nhận biết được, chúng ta cung cấp những dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của từng giới khác nhau, nhất là phụ nữ. Tiếp đến là tăng cường các dịch vụ, xây dựng các nhà trẻ để giúp phụ nữ chăm sóc trẻ em. Một điều quan trọng là khuyến khích sự tham gia của nam giới vào hoạt động không trả lương để giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ.

Đồng tình với bà Shoko Ishikawa, ông Haroon Akram-Lodhi – GS nghiên cứu phát triển quốc tế (Canada) khẳng định, các dịch vụ an sinh xã hội của Việt Nam rất phong phú và da dạng, nhưng chính vì việc chưa nhận diện được các đặc thù công việc của những lao động không được trả lương cho nên họ bị hạn chế tận hưởng các dịch vụ này. “Chúng ta phải nhận diện được công việc không được trả lương của phụ nữ, tiếp đến là có những bằng chứng sát thực, cụ thể về những vấn đề này và có những khuyến nghị”.

Song, như các chuyên gia nhận định, điều quan trọng là phải nhận ra trách nhiệm của nam giới và phụ nữ trong các công việc không được trả lương và vai trò, mức độ tham gia của họ để đảm bảo sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Điều đó sẽ có tác động ngược lại với thị trường lao động, khi phụ nữ có cơ hội nhiều hơn thì họ sẽ đóng góp được nhiều hơn vào sự phát triển nền kinh tế.