Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa lò gạch ở Quốc Oai: Nhiều vướng mắc nảy sinh

Đàm Quân - Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Hợp đồng ký với chủ lò chưa hết hạn trong khi số tiền đầu tư xây dựng quá lớn và hàng ngàn lao động có nguy cơ mất việc làm đang là những khó khăn của huyện Quốc Oai trong lộ trình xóa lò gạch nung trên địa bàn.

Cấp phép vượt định mức
Trước tháng 7/2013, trên địa bàn huyện Quốc Oai có 153 lò gạch thủ công của 103 cơ sở sản xuất. Các lò gạch này hoạt động gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của huyện. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, huyện Quốc Oai đã tích cực vận động, tuyên truyền để các chủ cơ sở tự tháo dỡ lò gạch thủ công. Đến tháng 7/2013, huyện Quốc Oai đã hoàn thành kế hoạch xóa lò gạch thủ công.

Lò gạch của ông Phạm Đức Quang, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai .Ảnh: Quang Thiện

Việc xóa lò gạch thủ công được triển khai đồng bộ trên toàn TP, do vậy sau khi xóa hết các lò này, nhu cầu về gạch nung trên địa bàn tăng cao, đặc biệt trong giai đoạn 2011 - 2016 khi chương trình xây dựng nông thôn mới diễn ra. Trước tình hình này, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết đề nghị của các địa phương cũng như Sở Xây dựng. Theo đó, huyện Quốc Oai được chấp thuận cho đầu tư 4 lò gạch theo công nghệ xử lý khói thải lò nung của Công ty TNHH Đức Trung. Tuy nhiên, UBND huyện Quốc Oai đã chấp thuận số lò nhiều hơn đề xuất của Sở Xây dựng được UBND TP chấp thuận. Năm 2014, huyện đã cấp 16 giấy phép xây dựng tạm cho các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn, thời hạn đến hết năm 2016. Đến nay có 1 cơ sở đã hết hạn và 15 cơ sở sẽ hết hạn vào tháng 12/2016.
Trong số các địa phương, Phú Cát là xã có số lò gạch lớn nhất huyện Quốc Oai. Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 cơ sở sản xuất gạch nung, trong đó có 4 cơ sở được UBND huyện cấp phép xây dựng còn hạn đến 31/12/2016, 1 cơ sở chưa được cấp phép xây dựng. Các lò gạch trên địa bàn xã Phú Cát đều có những sai phạm nhất định, phần lớn là về hợp đồng thuê đất giữa UBND xã với chủ các cơ sở sản xuất gạch nung và sai phạm về xây dựng không đúng với nội dung trong giấy phép xây dựng tạm.
Xã, huyện đều khó
Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện Quốc Oai có 17 lò gạch nung, chủ yếu là lò vòng (hoffman), tập trung ở các xã Phú Cát, Hòa Thạch, Tân Hòa, thị trấn Quốc Oai, Ngọc Liệp… Các cơ sở sản xuất gạch nung đều được UBND huyện cho phép thử nghiệm, cấp giấy phép xây dựng tạm và đều có bản cam kết bảo vệ môi trường. Về nguồn nguyên liệu, các cơ sở này chủ yếu sử dụng nguồn đất tận dụng, đất nạo vét lòng sông Đáy, sông Tích, đất dư thừa của các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đất thải công trình và thu mua từ nơi khác về, không khai thác đất nông nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP yêu cầu thanh lý toàn bộ các hợp đồng giao thầu quỹ đất công không đúng quy định của pháp luật trong quý III/2016, tháng 8/2016, UBND huyện Quốc Oai đã thành lập tổ công tác kiểm tra toàn diện các lò gạch đang tồn tại trên địa bàn. Đến hết quý III/2016, thị trấn Quốc Oai và xã Phú Cát đã hoàn tất việc thanh lý hợp đồng thuê thầu trái pháp luật. Đối với các lò gạch đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo hướng dẫn của Sở Xây dựng (trong 4 lò được phép), huyện đang chỉ đạo các chủ lò thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, chấp hành đúng quy định của pháp luật hoàn tất thủ tục và cho phép hoạt động đúng lộ trình, kết thúc vào cuối năm 2016. Đồng thời, huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ, xử lý, cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định của pháp luật đối với các lò gạch nung vi phạm.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Lai Luật – Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, việc xử lý các lò gạch nung trên địa bàn huyện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trước hết, nhu cầu sử dụng gạch xây của người dân lớn, trong khi vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn huyện sản lượng còn hạn chế. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất gạch nung mới đầu tư xây dựng từ sau năm 2013, giá trị mỗi lò ít nhất trên 5 tỷ đồng nên chưa kịp thu hồi vốn. Nếu phải chấm dứt hoạt động ngay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chủ cơ sở sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của trên 1.000 lao động địa phương. Hơn nữa, chủ cơ sở sản xuất gạch thuê mặt bằng với UBND xã, đều được huyện Quốc Oai chấp thuận khi cam kết bảo vệ môi trường, cấp phép xây dựng tạm và cho phép đầu tư, chỉ có 1 cơ sở không được cấp phép.
Không chỉ cấp huyện, ở cấp xã, việc thanh lý hợp đồng đối với các chủ lò gạch là nhiệm vụ không hề đơn giản. Ông Nguyễn Danh Thuận – Chủ tịch UBND xã Ngọc Liệp chia sẻ, trên địa bàn xã có 1 lò gạch nung theo công nghệ lò vòng tại thôn Ngọc Bài. Đây là lò gạch được xây dựng trong khu chuyển đổi từ đồng trũng, cấy lúa kém hiệu quả, thu hoạch bấp bênh. Chủ lò đã được cấp phép xây dựng, ký hợp đồng thuê đất với UBND xã nhiệm kỳ trước, thời hạn đến năm 2018 và đã trả tiền bồi thường thuê đất cho người dân đến hết năm 2016 với mức 8.000 đồng/m2. Do đó, việc thanh lý hợp đồng ở thời điểm này là rất khó. “Nếu phải thanh lý hợp đồng thì xã không có tiền để bồi thường” – ông Thuận lo lắng.
Đề nghị giãn tiến độ
Trong số các lò gạch nung đang tồn tại trên địa bàn huyện Quốc Oai, thực tế có nhiều lò được đầu tư với kinh phí lớn, có hệ thống xử lý khói thải nên ít gây ô nhiễm môi trường và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Do vậy, yêu cầu xóa sổ lò gạch nung trong năm 2016 đang khiến cho nhiều chủ lò đứng ngồi không yên. Ông Phạm Đức Quang - chủ lò gạch thôn Ngọc Bài, xã Ngọc Liệp cho biết, với thời hạn thuê đất từ 2014 – 2018, ông đã đầu tư gần 18 tỷ đồng, lò gạch mới đi vào hoạt động được hơn một năm nay và đang tạo việc làm cho 80 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.
Theo ông Quang, nếu phải kết thúc hợp đồng vào thời điểm này, cơ sở sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ ngân hàng. “Chúng tôi mong muốn được xem xét, tạo điều kiện hoạt động, ít nhất là đến hết hạn hợp đồng thuê đất” – ông Quang đề nghị.
Từ thực tế đang tồn tại, UBND huyện Quốc Oai kiến nghị TP cho phép giãn tiến độ hoàn thành xử lý các lò gạch đến cuối năm 2016 để có thời gian chuẩn bị tổ chức cưỡng chế trong trường hợp cần phải cưỡng chế. Đồng thời, cho phép huyện lập, trình duyệt bổ sung quy hoạch vật liệu xây dựng giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn huyện Quốc Oai. Đối với cơ sở sản xuất gạch áp dụng công nghệ cải tiến, xử lý khói thải, phù hợp với quy hoạch tiếp tục được tồn tại đến hết năm 2020 để tránh lãng phí nguồn lực cũng như đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu của địa phương..