Ngoại trưởng Kerry là quan chức Mỹ cấp cao nhất tới Ai Cập kể từ khi ông Morsi bị lật đổ hồi tháng 7 nên chuyến thăm chớp nhoáng dù chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 tiếng đồng hồ vẫn chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng. Với việc mô tả Ai Cập như một đối tác quan trọng với Mỹ và khu vực, ông Kerry đã thực hiện được nhiệm vụ "hàn gắn" mối quan hệ đồng minh truyền thống được thiết lập suốt 3 thập kỷ qua giữa 2 nước bị tổn thương sau khi Washington tạm ngưng một phần viện trợ cho Cairo. Đáng nói, Cairo chỉ là chặng dừng chân bất ngờ trong kế hoạch công du gần 2 tuần tới khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Ngoại trưởng Kerry nhằm trấn an các nước đồng minh. Ngay sau khi rời Cairo, ông Kerry đã có cuộc gặp với Quốc vương Ả Rập Saudi Abdullah để khẳng định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để các nước đồng minh bị tấn công từ bên ngoài trong bối cảnh liên tiếp xuất hiện những diễn biến làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi đang có những dấu hiệu xấu đi sau những quyết định gần đây của Nhà Trắng về việc ngừng tấn công Syria và cải thiện quan hệ với Iran, vốn là đối thủ lâu năm của Ả Rập Saudi. Ngoài chuyến thăm Ai Cập và Ả Rập Saudi, Ngoại trưởng Mỹ còn lần lượt dừng chân tại Qatar, Jordani, Algeri, Maroc… trong một nỗ lực nhằm hiện thực hóa tối hậu thư phải khôi phục quan hệ với những đồng minh then chốt tại Trung Đông - Bắc Phi mà các nhà lập pháp đưa ra hồi cuối tháng 10. Hiện chưa rõ chuyến công du của ông Kerry có đạt được mục đích ban đầu hay không nhưng nó cho thấy sự chuyển động tích cực trong chiến lược ngoại giao của Washington tới khu vực, vốn là sân sau của Mỹ nhưng đang đứng trước sức ép từ việc Trung Quốc và Nga tăng cường ảnh hưởng tại đây.