Xét xử giai đoạn 2 đại án VNCB: Viện KSND tiếp tục đề nghị thu 6.126 tỷ từ 3 ngân hàng

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/7, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, thiệt hại trên 6.126 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Viện KSND đề nghị án giảm so phiên tòa trước
Tại tòa, đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ nguyên quan điểm của Viện KSND Tối cao đề nghị HĐXX tuyên thu hồi số tiền trên 6.126 tỷ đồng từ các Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và SacomBank để trả lại cho Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng (CBBank).
Các bị cáo tại tòa.
Đại diện Viện KSND cho rằng thời gian qua, nhiều vụ án xảy ra tại các ngân hàng gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ trong nước. Hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, tại phiên xử này, đại diện Viện KSND đã đưa ra mức án có giảm so với phiên xử vào tháng 1/2018.
Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị 20 năm tù (tổng hợp án cũ là 30 năm); bị cáo Trầm Bê từ 4 - 5 năm tù (hạ xuống 1 năm), Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) từ 12 - 14 năm tù (hạ 1 năm, tổng hợp án trước là 30 năm), Mai Hữu Khương 10 - 12 năm tù (tổng hợp án trước là 30 năm tù), Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc SacomBank) từ 3 - 4 năm (hạ 1 năm), Hoàng Đình Quyết từ 2 - 3 năm (tổng hợp án cũ là 21 - 22 năm tù), Đinh Việt Cường và Đặng Thị Bích Thủy (nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc khối KHDN TPBank) từ 5 - 6 năm tù, Nguyễn Quốc Viễn 5 - 6 năm tù (tổng hợp án cũ là 14 - 15 năm). Có 11 bị cáo được đề nghị từ 2 - 3 năm tù (cho hưởng án treo), 4 bị cáo được đề nghị 3 năm tù nhưng cho cải tạo không giam giữ. Những bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2 - 5 năm tù giam.
Luật sư tiếp tục xoáy vào số tiền 4.500 tỷ đồng
Trong phần bào chữa, các luật sư Phan Trung Hoài, Trần Minh Hải… bảo vệ cho bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục xoáy vào số tiền 4.500 tỷ đồng. Luật sư Trần Minh Hải (Công ty Luật BASIC), đưa ra nhiều vấn đề pháp lý, như: Việc hạch toán kế toán vốn điều lệ sai pháp luật của CBBank đang là nguyên nhân cản trở xác định số liệu thiệt hại thật của vụ án này; Chỉ có thể đúng pháp luật nếu CBBank xác định khoản tiền 4.500 tỷ đồng là nợ phải trả và khấu trừ vào thiệt hại của vụ án; Nếu số tiền dư, tài khoản của CBBank không còn 4.500 tỷ đồng, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn trả khoản tiền này để khấu trừ khỏi thiệt hại của vụ án; Để tránh những sai lầm trong áp dụng pháp luật, cần xác định rõ CBBank sử dụng 4.500 tỷ đồng, không phải ông Phạm Công Danh; Kiến nghị HĐXX ghi nhận những sự thật khách quan mới, đã được sáng tỏ qua các vụ án liên quan vào trong bản án của vụ án này.
Luật sư Trần Minh Hải viện dẫn trang 7 của công văn số 15/VKSTC-V3 ngày 20/6/2018 của Viện KSND Tối cao gửi TAND TP Hồ Chí Minh (v/v bổ sung tài liệu và chuyển hồ sơ vụ án Phạm Công Danh để tiếp tục xét xử - công văn số 15), có nội dung: “Ngày 26/12/2013, Phòng Kế toán Tài chính căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) thay đổi lần thứ 27 đã hạch toán tăng tài khoản vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Ngày 4/6/2014, Sở KH-ĐT tỉnh Long An thu hồi GCNĐKKD lần thứ 27 và cấp GCNĐKKD lần thứ 28 điều chỉnh số vốn điều lệ của VNCB là 3.000 tỷ đồng. Việc Sở KH-ĐT tỉnh Long An thu hồi GCNĐKKD lần thứ 27 diễn ra trước thời điểm khởi tố vụ án hình sự và khởi tố các bị can nhưng Ban điều hành cũ không điều chỉnh hạch toán 4.500 tỷ đồng nêu trên. Hiện nay, 4.500 tỷ đồng chưa hạch toán điều chỉnh”.
Ghi 2 mức vốn trên GCNĐKKD nhằm không trả tiền cổ đông?
Luật sư Hải cũng đưa ra 2 thông tin trong công văn số 15, đó là: Vốn điều lệ ghi nhận trên GCNĐKKD của CBBank là 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ ghi nhận hạch toán kế toán tại ngân hàng lại là 7.500 tỷ đồng. Công văn số 15 cũng ghi nhận kể từ tháng 12/2013, khi khoản tiền 4.500 tỷ đồng được VNCB hạch toán kế toán cộng thêm vào mục vốn điều lệ, thì vốn điều lệ VNCB được hạch toán thành 7.500 tỷ đồng. Sau khi tiếp quản và đồi tên thành CBBank, ngân hàng này có báo cáo xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn việc hạch toán 4.500 tỷ đồng nhưng đến nay NHNN chưa có hướng dẫn cụ thể nên CBBank chưa xử lý điều chỉnh hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng.
“Như vậy, có sự mâu thuẫn khác biệt trong thông tin mức vốn điều lệ ghi nhận giữa giấy tờ pháp lý và giấy tờ hạch toán kế toán của ngân hàng. Không thể tồn tại hai mức vốn điều lệ trong cùng một ngân hàng. Nhưng tại CBBank hiện nay điều phi lý này đang tồn tại. Trước đó, chiều 26/7, đại diện NHNN đã khẳng định CBBank sai khi để 2 mức vốn điều lệ. Và đại diện CBBank trong phần thẩm vấn bổ sung chiều 26/7 cũng đã xác nhận vốn điều lệ hợp pháp là 3.000 tỷ đồng ghi trên GCNĐKKD. Điều này đồng nghĩa CBBank cho đến nay vẫn chưa điều chỉnh việc hạch toán kế toán vốn điều lệ với số tiền 7.500 tỷ đồng là hoàn toàn trái pháp luật. Việc hạch toán trái pháp luật này đã gây nên một hệ lụy là 4.500 tỷ đồng bị ẩn giấu trong mức vốn điều lệ bất hợp pháp và phủ nhận quyền truy đòi của nhóm cổ đông Phạm Công Danh do nộp tiền mua cổ phần bất thành. Qua đó, cản trở việc xem xét loại bỏ số tiền 4.500 tỷ đồng ra khỏi số liệu thiệt hại tổng thể trong vụ án này”, luật sư Trần Minh Hải, nhận định.
Ngoài những viện dẫn trên, luật sư Hải còn nêu trang 8 công văn số 15 của Viện KSND Tối cao, có nội dung: “Số tiền dư tại thời điểm ngày 26/7/2014 (ngày khởi tố vụ án) không còn 4.500 tỷ đồng, đến nay xác định số tiền này không còn trên tài khoản của VNCB cũng như CBBank”. Từ nội dung này, luật sư Hải nhận định: Các con số mà CBBank cung cấp, chỉ thể hiện dòng tiền đang giao dịch qua lại trong CBBank và giữa CBBank với các ngân hàng liên quan. Muốn tìm được số thực, chỉ cần yêu cầu CBBank xuất trình báo cáo tài chính. Nhưng đến nay, CBBank vẫn giấu biệt, cho dù Luật các Tổ chức tín dụng, quy định phải công khai báo cáo tài chính hàng năm. Từ lập luận này, luật sư Hải mong HĐXX cân nhắc khi ra bản án để bảo đảm sự công bằng cho các bị cáo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần