[Xu hướng] Dịch chuyển đến vùng đất mới

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người tính đến vùng đất dân cư thưa thớt hơn để sống.

Thêm nữa, các đại đô thị ồn ào náo nhiệt, xe cộ đông đúc, không khí ô nhiễm… Trước đó, nhiều người cũng đã có ý định này chỉ với mục đích hưởng thú vui điền viên. Ở Việt Nam, sự dịch chuyển còn là xu hướng khám phá bản thân của giới trẻ.
Người Mỹ dịch chuyển

Theo một nghiên cứu của Dịch vụ Bưu điện Mỹ, từ tháng 3 đến cuối năm 2020 có 8,93 triệu người rời chỗ ở đến sống ở một bang khác, tăng gần 94.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Mark Jenkins và Lori Crowell kết hôn vào năm 2020, họ không nghĩ đến chuyện sẽ chuyển đến một tiểu bang khác để sinh sống. Thế nhưng đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, thêm vào đó công việc cho phép được làm từ xa để có thể sống ở bất cứ đâu, do đó họ đã thu dọn nhà cửa ở Seattle (thành phố cảng biển thuộc tiểu bang Washing ton) để chuyển đến Idaho (một tiểu bang thuộc miền Tây Bắc Mỹ), nơi có thời tiết dễ chịu hơn, giao thông tốt hơn.
 Không gian xanh tại làng quê huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Các hợp đồng từ các công ty xe tải chuyển nhà Atlas Van Lines và U-Haul cho thấy những người chọn chuyển đến một tiểu bang mới tránh xa các trung tâm dân cư trên bờ biển, với New York và California mất nhiều cư dân nhất vào năm 2020. Xu hướng này sẽ tiếp diễn mạnh mẽ vào năm 2021.

Bên cạnh Idaho là tiểu bang có số người chuyển đến sinh sống nhiều đứng đầu danh sách nhiều lượt di chuyển nhất; cũng nằm trong Top 10 tiểu bang có người đến sống còn có Bắc Carolina, Maine, Alabama và New Mexico. Do có nhiều người đến sinh sống, buộc các tiểu bang này xây thêm trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông…

Rick Halstead, làm việc trong ngành hàng không ở Seattle, và vợ Julie của anh cũng rời Seattle đến Idaho do hậu quả của đại dịch, kèm theo đó là các cuộc biểu tình, tội phạm ma túy… khiến chất lượng cuộc sống của họ suy giảm. Về cảm giác khi chuyển đến Idahoa, anh nói: “Như sống ở Seattle 15 năm trước. Trong khu phố của chúng tôi, bạn sẽ không cần khóa cửa nhà. Chúng tôi gặp gỡ láng giềng trong 3 tháng với số người nhiều hơn so với hơn 7 năm khi ở phố cũ”. Gia đình Rick Halstead bán ngôi nhà 20 năm tuổi của họ ở Lynnwood, ngoại ô Seattle, với giá 630.000USD và mua nhà mới Họ đã mua một ngôi nhà xây mới rộng gần 200m2 với giá 429.000USD ở Meridian, Idaho. Anh cho biết từ khi về nơi ở mới, sức khỏe của anh cải thiện rất nhiều.

Theo một báo cáo từ U-Haul (một công ty vận tải), Tennessee (một tiểu bang của Mỹ) là điểm đến hàng đầu khác của những người muốn chuyển chỗ ở vào năm ngoái. Tiểu bang này có môi trường kinh doanh thân thiện, có nhiều việc làm, không đánh thuế thu nhập cá nhân. Nhiều người từ California đã chuyển đến nơi đây.

Edward Hill và vợ của anh, Margaret, đã chuyển ra khỏi căn hộ một phòng ngủ rưỡi của họ ở khu phố Crown Heights của Brooklyn (New York) và mua một ngôi nhà ở TP Nashville (Tennessee) do lo ngại về tác động của Covid -19. Họ quyết định chuyển đến Nashville lâu dài để gần gũi hơn với gia đình Margaret và hỗ trợ công việc của cô trong ngành âm nhạc. Hill nói: “Chúng tôi lẽ ra đã gia hạn hợp đồng thuê nhà, nhưng đại dịch chỉ cho chúng tôi động lực để thoát khỏi đó”.

Việt Nam cũng không ngoại lệ

Hiện nay nhiều người ở Việt Nam cũng có ý định dịch chuyển ra vùng ngoại ô các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để sinh sống. Ở Mỹ, những người dịch chuyển muốn tránh xa Covid -19, hay môi trường xã hội bất ổn. Ở Việt Nam, những người thích về quê hay rừng núi sống chủ yếu do muốn gần gũi với thiên nhiên, không khí trong lành hơn, tránh được nạn kẹt xe… Riêng giới trẻ, về với núi rừng, ruộng đồng còn là sự thử thách của giới hạn bản thân và đáp ứng đam mê là nông nghiệp sạch, du lịch xanh. Do làm việc online chưa thực sự phổ biến (dù cũng là xu hướng), người về vùng thôn quê, thậm chí rừng núi, hoặc chỉ để nghỉ dưỡng, hoặc làm những công việc liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt, du lịch… kiểu dạng nhà vườn homestay/farmstay.

Ở phía Nam, mọi người nghĩ đến các vùng đất vùng ven quận 9, nhưng giờ đất ở đây đắt đỏ nên nghĩ đến Đồng Nai, Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay Kon Tum, Gia Lai… Anh Ân (nhân viên kinh doanh) cách nay vài năm bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để mua đất ở Đồng Nam là nông nghiệp, trồng cây ăn quả và cây thuốc. Anh có mô hình kinh doanh khá độc đáo là sử dụng vườn của mình để giới thiệu các loại phân bón vi sinh thân thiện với môi trường. Sử dụng loại thuốc nào, anh cho quay phim và đưa lên mạng xã hội quảng cáo. Anh nói: “Việc làm này giúp bán hàng dễ hơn, lại chăm sóc được cho vườn của mình. Cây ăn quả và cây thuốc là lâu dài; bán phân vi sinh để có tiền chi dùng hàng ngày và cho vườn”. Điều đáng nói là giá đất nơi anh Ân mua sau 2 năm đã tăng lên 30%.

Anh Tú là kỹ sư nông nghiệp, sau khi lấy vợ đã lên Gia Lai mua đất và lập trang trại. Anh chị thời gian đầu rất vất vả để quy hoạch trang trại, dựng lán trại, trồng cây ăn quả… Nhưng sau 5 năm, trang trại của họ hình thành và bắt đầu cho thu nhập.

Nhiều bạn trẻ đi Israel học nông nghiệp kỹ thuật cao về nước đã lên Tây Nguyên lập những trang trại rộng hàng chục hecta để thực hiện những gì mình đã học hỏi được. Đây là những nông dân trẻ có kiến thức, có hoài bão về việc xây dựng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao như Isrel. Số lượng những người này đang dần tăng lên.

Tại Hà Nội, các vùng đất ở Ba Vì, Sóc Sơn… là những lựa chọn cho những người muốn rời xa khu trung tâm (rời hẳn, hoặc ngày cuối tuần) đến ở. Theo các chuyên gia bất động sản, ngoài việc để nghỉ ngơi hay làm nông nghiệp, kinh doanh du lịch xanh, những nhà đầu tư còn có niềm tin về đất vùng thôn quê, miền núi sẽ tăng giá do khu trung tâm ngày càng chật chội. Hiện các khu vực ở vùng ven TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng… những năm gần đây giá đất tăng nhiều, có nơi tạo nên cơn “sốt”. Chỉ ở vùng Bảo Lộc thôi cũng đã chen chúc các “đại gia” địa ốc như Hưng Thịnh, Novaland, Him Lam, Sungroup… đến để đầu tư.

Tuy nhiên, việc mua đất làm nhà vườn hay trang trại cũng có những rủi ro. Trước hết là tính pháp lý. Người mua nên xem xét kỹ là đất có xây được nhà ở không. Việc chăm sóc vườn trại cũng nhiều tốn kém. Nếu chủ không về ở được phải thuê người làm vườn với chi phí khá cao.

Những dịch chuyển bỏ phố về quê, thậm chí lên rừng núi lập nghiệp và sinh sống diễn ra âm thầm nhưng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 còn diễn biến phức tạp, cùng với việc các đại đô thị đang có nhiều vấn nạn về kẹt xe, ô nhiễm không khí, nhiều người tìm về nơi sống yên bình hơn. Đó là những vùng quê, vùng rừng núi. Đây là một xu hướng ngược chiều với việc dòng người ồ ạt đổ về các thành phố lớn, nơi có nhiều công ty, xí nghiệp, bệnh viện và trường học tốt… để tìm việc làm và sinh sống của những thập kỷ trước và đến nay cũng chưa chấm dứt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần