[Xu hướng] Hành trình tự cứu mình của máy bay

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quốc gia châu Âu hiện đang cuống cuồng ban hành lệnh hạn chế di chuyển, sau khi một số quốc gia công bố các ca nhiễm có liên quan đến Omicron - siêu biến thể Covid-19 được đánh giá là "tồi tệ nhất" từ trước đến nay. Điều này khiến hàng không phải tìm các giải pháp tự cứu mình.

Niềm vui trong đại dịch

Ngày 28/11/2021, Vietnam Airlines có chuyến bay thường lệ đầu tiên trên đường bay giữa sân bay Tân Sơn Nhất (Việt Nam) và San Francisco (Mỹ) do một hãng hàng không Việt Nam thực hiện. Như vậy, sau đúng 20 năm kể từ khi Vietnam Airlines thành lập văn phòng đại diện tại nước này chúng ta mới có chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên. Muốn được cấp phép Vietnam Airlines phải làm việc 6 năm, với 9 cơ quan của Mỹ, hàng trăm ki lô gam giấy tờ để hoàn tất thủ tục.

Đường bay giữa Việt Nam và Mỹ hiện có khoảng 20 hãng hàng không đang khai thác. Các hãng hàng không phải đáp ứng được những điều kiện kỹ thuật, an toàn, an ninh rất khắt khe của Mỹ. Từ trước đến nay Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chỉ cấp cho các hãng hàng không Việt Nam bay đến Mỹ dưới hình thức thuê chuyến kèm theo các điều kiện hạn chế về số lượng chuyến bay, thời gian và tần suất khai thác (gọi là chuyến bay đặc biệt).
 Vietnam Airlines đã có chuyến bay thường lệ đầu tiên trên đường bay giữa sân bay Tân Sơn Nhất (Việt Nam) và San Francisco (Mỹ). Ảnh: Việt Dũng
Chiều đi từ TP Hồ Chí Minh đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút, chiều ngược lại có thời gian bay khoảng 16 tiếng 40 phút. Các chuyến bay sẽ được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Bước đầu, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay nối giữa TP Hồ Chí Minh và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng sẽ nâng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ. Với 2,2 triệu người Việt kiều tại Mỹ thì đây là thị trường tiềm năng nhưng cạnh tranh như thế nào với các hãng hàng không quốc tế có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh là điều không dễ.

Hiện nay, đối với thị trường quốc tế, Vietnam Airlines vẫn duy trì hai chuyến bay thương mại thường lệ/tuần nối Việt Nam - Tokyo, Việt Nam - Seoul, Việt Nam - Sydney và Melbourne. Các tuyến này giúp Vietnam Airlines có thể sử dụng thêm hai máy bay thân rộng vào khai thác, qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm của tiếp viên, phi công, công nhân bảo dưỡng… Theo dự báo, hàng không của Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4,5 tỷ USD trong năm nay, nhưng việc mở được đường bay bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ được coi là một bước đột phá mang tính lịch sử, tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát triển.

Khó khăn cho hàng không Việt Nam

Theo số liệu thống kê và báo cáo của các DN, chỉ tính riêng Vietnam Airlines, Vietjet, ACV, VATM đã có tới 4 vạn cán bộ, nhân viên, tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 22.000 tỷ đồng/năm. Doanh thu của ngành hàng không chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng (các địa phương có tổng sản phẩm vượt 190.000 tỷ đồng/năm) và đứng trên 59 tỉnh thành khác. Nhiều năm nay, hàng không được coi là động lực phát triển của nền kinh tế, nếu hàng không tăng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng 1% GDP.

Để “giải cứu hàng không” Chính phủ các nước trên thế giới đã hỗ trợ tổng số tiền 173 tỷ USD bằng gần 30% thiệt hại của ngành hàng không. dù hàng không thế giới được sự hỗ trợ từ Chính phủ rất lớn nhưng vẫn không thể đủ sức chống chọi với cơn bão dịch bệnh. Các hãng hàng không thế giới đang bị suy yếu đi nhanh chóng, hơn 40 hãng đã phá sản.

Rõ ràng trong bối cảnh đại dịch

Covid-19 như hiện nay, du lịch quốc tế đóng băng thì thị trường nội địa sẽ là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2021.Chiến lược của các hãng hàng không là tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách. Do bị quy định về công suất sử dụng Vietnam Airlines đang phải tháo ghế ở bảy máy bay A350 và Boeing 787, sáu máy bay A321 để đẩy mạnh mảng vận tải hàng hóa. Trong đại dịch, hãng bay này đã khai thác hàng hóa đến hơn 30 điểm đến mới.

Kịch bản khôi phục và phát triển

Một yếu tố quan trọng khác cũng cần phải nói thêm là các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không cần phải làm nhanh và tạo ra cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Đại dịch Covid-19 là thời điểm để các loại hình giao thông đường sắt, đường sông, đường biển, đường bộ và đường hàng không định hình lại chiến lược phát triển của mình. Đường bộ và đường hàng không đang có lợi thế nhất định khi vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đang vượt trội trong ngành GTVT. Doanh thu ngành hàng không gấp 21 lần doanh thu ngành đường sắt, nộp ngân sách gấp gần 100 lần ngành đường sắt.

Trong 4 kịch bản khôi phục kinh tế hình chữ V, U, W, L thì các hãng hàng không Việt Nam đứng trước phương án W (thậm chí có hãng nếu làm tốt thì sẽ thoát đáy kiểu chữ U).

Omicron - siêu biến thể Covid-19 đã xuất hiện ở châu Âu. Do đại dịch Covid-19 kéo dài hàng không cũng như nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam đang gặp chồng chất khó khăn. Vietnam Airlines đang trước nguy cơ hết vốn. Ai sẽ sớm thoát khỏi vòng xoáy này?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần