Xử lý bảng biển quảng cáo vi phạm ở quận Long Biên: “Thế giới di động” vẫn chiếm hết mặt tiền

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Long Biên là một trong số những quận, huyện của Hà Nội dẫn đầu trong việc chấn chỉnh biển hiệu, biển quảng cáo.

Loạn biển quảng cáo quá khổ: Bài 1 - Thế giới di động coi thường tính mạng khách hàng

Loạn biển quảng cáo mặt tiền quá khổ - Bài 2: Sớm ra quân xử lý vi phạm

Vậy nhưng, trong buổi kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành TP chiều 13/4, những diện tích quảng cáo của Thế giới di động, Siêu thị điện máy HC… “quá khổ” vẫn ngợp mắt người đi đường.

Quảng cáo vẫn tràn mặt tiền

Theo tổng hợp của Phòng VH&TT quận, Long Biên có trên 7.356 biển hiệu, trong đó có 1.120 biển hiệu sai phạm về kích thước; 3 biển quảng cáo tấm lớn theo quy hoạch của TP; 6 bảng quảng cáo tại hông tường nhà, bảng quảng cáo trên dải phân cách; 25 bảng quảng cáo tại nhà chờ xe buýt và 67 bảng quảng cáo rao vặt miễn phí. Việc quản lý hoạt động quảng cáo ở đây không chỉ “chuẩn y” theo đề án Quy hoạch, sắp xếp biển hiệu, biển quảng cáo, biển chỉ dẫn trên địa bàn quận Long Biên giai đoạn 2016 - 2020, mà còn gắn với các tiêu chí xây dựng phường văn minh đô thị, tuyến phố, tuyến đường đạt chuẩn văn minh đô thị. Thế nên, dạo một vòng quanh những tuyến phố lớn của quận này, dễ nhận ra sự tương đối đồng đều trong biển hiệu.

Biển hiệu Thế giới di động tại 291 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên.

Vậy nhưng, đan xen trong bức tranh toàn cảnh đó, vẫn là những biển quảng cáo “quá khổ” so với quy định, những diện tích quảng cáo che kín hết mặt tiền, thậm chí cả bên hông các cửa hàng, cửa hiệu. Ngay trên tuyến phố Nguyễn Văn Cừ được chọn xây dựng “tuyến phố kiểu mẫu” thuộc phường Gia Thụy - được chọn xây dựng “phường kiểu mẫu”, vẫn án ngữ những biển hiệu đến độ ngợp mắt. Tại 291 Nguyễn Văn Cừ, “Thế giới di động” đặc thù với nền vàng chữ đen vẫn nghênh ngang bên cạnh các biển hiệu khiêm tốn trong phạm vi cho phép. Hỏi về “thương hiệu” lớn này, ông Nguyễn Trọng Duy – Trưởng phòng VH&TT quận Long Biên cho biết, trên địa bàn quận có 5 biển “Thế giới di động” như vậy. Quận đã làm việc với chủ cửa hàng, song chưa có một động thái phạt vi phạm hay yêu cầu “hạ biển”, dù nhà quản lý khẳng định biển “quá khổ” so với quy định. Và cho đến hôm nay, khi rất nhiều biển hiệu đã vào quy chuẩn, “Thế giới di động” vẫn cứ tồn tại như… buổi ban đầu. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều quận, huyện, chứ không riêng Long Biên.

Bên cạnh “Thế giới di động” là Siêu thị điện máy HC ở số 549 Nguyễn Văn Cừ với diện tích biển hiệu quảng cáo phủ kín mặt tiền tầng 2 và một bên hông cửa hàng với đủ các thương hiệu: Electrolux, LG, Samsung… Theo đo đạc của đoàn kiểm tra liên ngành, diện tích quảng cáo mặt tiền này tới hơn 600m2. Đó là chưa kể những biển của hãng thời trang NEM, những biển ngân hàng mà chính những người làm công tác quản lý văn hóa ở quận cho biết “đang phải xem xét”.

Quận cũng lúng túng

Phải nói rằng, ngay ở địa phương được đánh giá làm tốt việc chấn chỉnh biển hiệu, biển quảng cáo này cũng đang vấp phải sự lúng túng trong khâu quản lý và cấp phép dựng biển, bảng quảng cáo. Đúng luật thì biển quảng cáo trên 20m2 là phải có giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo, tuy nhiên, ông Nguyễn Khoa Trung – Phòng Quản lý đô thị quận Long Biên cho biết: “Tất cả biển, bảng quảng cáo trên địa bàn quận không gửi hồ sơ xin cấp phép đến Phòng. Cho đến nay, Phòng chưa cấp phép xây dựng cho bất cứ một công trình quảng cáo nào”. Còn Phòng VH&TT thì đúng chức năng, chỉ có thẩm quyền trong phạm vi nội dung ghi trên biển, bảng quảng cáo. Vậy là việc xử lý vi phạm trở thành một bài toán nan giải, vì “thanh tra văn hóa chỉ có thể phủ bạt che nội dung, thanh tra xây dựng thì không biết có vi phạm hay không để xử phạt” – ông Lê Hồng Văn – Phó Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Long Biên chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi hỏi về những quảng cáo Thế giới di động, Siêu thị điện máy HC, ngân hàng… nghênh ngang trên phố, ông Nguyễn Trọng Duy cũng không giấu: “Còn phải xem xét vì liên quan đến thương hiệu”. Như cách giải thích của những người làm văn hóa ở đây thì bản thân họ vẫn đang lúng túng khi phân biệt giữa biển quảng cáo và biển hiệu, lúng túng trước những biển không dùng lời quảng cáo chỉ dùng logo thương hiệu…

Khúc mắc trong quản lý này không phải của riêng Long Biên, song chính việc khảo sát để tìm ra căn nguyên của những vi phạm trong hoạt động quảng cáo sẽ mở đường để bảng, biển quảng cáo đi vào đúng quy chuẩn.

Tổ công tác liên ngành của TP đã đi khảo sát thực tế tại 12 quận và 1 huyện, qua đó đã phát hiện ra được những địa điểm vi phạm cũng như thực trạng vi phạm của các công trình quảng cáo: Che chắn toàn bộ mặt tiền, vượt lên nóc nhà và chắn hai bên hông nhà, điều này khiến việc tiếp cận với công tác cứu hộ cứu nạn rất khó khăn. Chúng tôi đã lập biên bản, sau đó sẽ có văn bản chỉ đạo các phòng VH&TT tiếp tục rà soát, tham mưu với UBND quận có những biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong khu vực và trên toàn TP.

Ông Bùi Minh Hoàng

Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội