Xử lý biển quảng cáo vi phạm: Đủng đỉnh chờ quy định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 2 tháng sau những động thái quyết tâm lập lại trật tự quảng cáo trên địa bàn TP, việc tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm của các quận, huyện vẫn dậm chân tại chỗ.

Sau khi nhận được Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội, các địa phương như “vắt chân lên cổ” để hoàn thành trong vòng một tháng như quy định.

Biển cũ chưa tháo dỡ đã phát sinh biển mới

Trong khi Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP mất hơn một tháng để xây dựng kế hoạch, họp bàn cách triển khai tháo dỡ 155 biển quảng cáo vi phạm; thì tại các quận, huyện, những tấm biển quảng cáo chềnh ềnh được dựng chắc chắn bằng các khung sắt thép, xi - măng đã mọc lên trong vài ngày. Thế nhưng, rất nhiều Phó Chủ tịch UBND quận, huyện phụ trách Văn xã, Trưởng phòng VH&TT hoặc Chủ tịch UBND phường... không biết về sự mọc mới biển quảng cáo vi phạm trên địa bàn mình.
Biển quảng cáo vi phạm mới được dựng lên tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Linh Anh
Biển quảng cáo vi phạm mới được dựng lên tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Linh Anh
Trong hội nghị sơ kết 3 năm công tác tuyên truyền, cụ thể hóa Luật Thủ đô của ngành văn hóa (ngày 6/8), Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến thừa nhận: “Số lượng biển quảng cáo tấm lớn vi phạm không chỉ còn dừng lại con số 155 như thống kê hồi tháng 5/2016 mà đã trên 200”. Ví dụ ở quận Cầu Giấy, bảng quảng cáo đứng độc lập trái phép không chỉ 23 bảng, mà đã mọc thêm 2 bảng vi phạm trong khuôn viên Siêu thị Big C (Trần Duy Hưng), nâng tổng số bảng vi phạm trong khuôn viên này lên 4 bảng. Tính trước tháng 6/2016, huyện Phúc Thọ không nằm trong danh sách “đen” có biển quảng cáo vi phạm cần tháo dỡ, nhưng đến đầu tháng 8/2016, lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ cho biết, trên địa bàn đã xuất hiện một biển quảng cáo tấm lớn không phép.

Tháo dỡ theo kiểu nhìn nhau

Hơn một tháng sau quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành của Chủ tịch UBND TP, các quận, huyện gần như đã nắm được tinh thần xử lý biển bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn, song trong 13 quận, huyện có bảng quảng cáo đứng độc lập vi phạm, chỉ có vài ba đơn vị rục rịch xử lý. Điển hình là từ cuối tháng 7/2016, quận Cầu Giấy đã tháo dỡ được 2 biển quảng cáo tấm lớn tại bãi đỗ xe Mai Dịch kèm 9 nội dung quảng cáo trên đường Trần Thái Tông, Nguyễn Phong Sắc, Phạm Văn Bạch… Qua tìm hiểu của phóng viên, những huyện có số biển quảng cáo vi phạm nhiều nhất như Sóc Sơn, việc xử lý gần như dậm chân tại chỗ. 43 biển nằm trên địa bàn xã Thanh Xuân, Phú Giang, Mai Đình, Phú Cường… vẫn ngang nhiên tồn tại. Tại quận Đống Đa có 4 biển nằm ở bãi đỗ xe Kim Liên và một biển trong khuôn viên tòa nhà VNPT (22 phố Đông Tác) đang chờ tháo dỡ. “Chúng tôi mới nhận được Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP nên đang lên kế hoạch yêu cầu DN tháo dỡ, sau đó mới tính đến bước cưỡng chế. Tinh thần của quận là phải xử lý nghiêm, tháo dỡ hoàn toàn những công trình quảng cáo không phép này” – Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt cho biết.

Hiện nay, rất nhiều quận, huyện đang chờ buổi làm việc của Đoàn thanh tra liên ngành với địa phương để vừa xác định số lượng biển quảng cáo vi phạm trên địa bàn, vừa đề xuất những cơ chế đặc thù cho phép tồn tại với những biển đang tồn tại không phép nhưng có kích cỡ, vị trí đúng quy chuẩn, đang phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị cho quận, huyện. “Chúng tôi sẽ chủ động đặt lịch làm việc với Đoàn thanh tra liên ngành của TP để đưa ra hướng xử lý rõ ràng hơn” – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh bày tỏ.

Hầu hết các quận, huyện có biển quảng cáo vi phạm đã nhận được Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội. Trong Chỉ thị 16, ngoài giao nhiệm vụ tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm cho các đơn vị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung còn yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về trật tự quảng cáo trên địa bàn. Việc tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm ở hai loại hình quảng cáo đứng một cột và quảng cáo trên dải phân cách cũng được chỉ rõ phải tháo toàn bộ phần khung, bảng cột, không chỉ riêng phần nội dung biển bảng. Thời hạn tháo dỡ trong vòng một tháng kể từ ngày ban hành Chỉ thị (3/8), nếu không hoàn thành, Đoàn thanh tra sẽ đề xuất với TP biện pháp cưỡng chế. Lần đầu tiên, đích thân Chủ tịch UBND TP ban hành Chỉ thị xử lý biển quảng cáo vi phạm trên địa bàn TP, thể hiện sự quyết liệt trong việc chấn chỉnh biển, bảng quảng cáo vi phạm, trả lại mỹ quan đô thị.