Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý cung cầu sẽ hạ sốt giá vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, những năm làm việc trong thị trường tài chính, ông chưa bao giờ thấy giá vàng biến động mạnh như hiện nay.

KTĐT - Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, những năm làm việc trong thị trường tài chính, ông chưa bao giờ thấy giá vàng biến động mạnh như hiện nay.

Trước cơn sốt giá vàng hiện nay, giới chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, tìm hiểu thực hư thông tin thị trường trong nước thiếu hàng và có biện pháp giải quyết bài toán cung cầu.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, những năm làm việc trong thị trường tài chính, ông chưa bao giờ thấy giá vàng biến động mạnh như hiện nay.

Với các nền kinh tế, khi có biến động lớn trên thị trường vàng, thì ngân hàng trung ương vẫn là nơi có vai trò lớn nhất trong việc bình ổn giá. "Để giám sát biến động trên thị trường vàng, trước hết cần tìm hiểu cung cầu có thực sự mất cân đối hay không, và nếu có, thì ở mức độ nào. Không loại trừ khả năng có người chủ ý đầu cơ, tung tin không chính xác về cung cầu nhằm trục lợi", ông Kiêm khuyến cáo.

Đại diện Bộ Tài chính cũng nhìn nhận, giá vàng tăng cao như hiện nay là không bình thường, dù rằng giá cả đang chịu tác động bởi giá thế giới. Mấu chốt vấn đề là cân đối cung cầu, ngân hàng trung ương có đưa một lượng vàng ra thị trường để bình ổn giá hay không. "Bộ Tài chính sẽ tính toán chi ngân sách dựa trên đề xuất và phương án từ Ngân hàng Nhà nước", vị đại diện này cho biết.

Ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, giá vàng trong nước thời gian qua tăng nóng ngoài việc chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới, có khả năng là một phần do mất cân đối cung cầu và yếu tố tâm lý của thị trường.

Đứng ở góc độ kinh tế, Chuyên gia kinh tế hội nhập - Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng, hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá lên cao có thể xem là “bản năng kinh tế tự nhiên” của con người. Bản năng này mách bảo người dân tập trung vào kênh đầu tư có tính đảm bảo cao là vàng, vì vàng luôn giữ được giá trị của nó.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến người dân đổ xô mua vàng, theo ông Vinh, là cầu vượt cung. Nguồn cung trong nước bị hạn chế vì Chính phủ ngưng nhập vàng trong khi vẫn cho phép xuất khẩu vàng. Ngoài ra giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá thế giới, nên việc giá tăng cao là chuyện hiển nhiên, cộng với tác động của việc Mỹ duy trì đồng USD yếu để khôi phục nền kinh tế.

Trong trường hợp cung thực sự khan hiếm, thì cần tạo điều kiện để cung ứng hàng cho thị trường, ông Kiêm đề xuất. Theo đó, có thể cho phép nhập vàng trở lại hoặc trích nguồn vàng dự trữ để cung ứng cho thị trường. Hiện các ngân hàng trung ương trên thế giới bán ra nhỏ giọt, thay vì đều đặn như thời gian trước. Cùng với việc đồng đôla mất giá trên thị trường quốc tế, đây cũng là một nguyên nhân khiến nguồn cung trên thị trường kim loại quý bị hạn chế, theo ông Kiêm.

Hiện các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến diễn biến trên thị trường vàng, trong đó nhiều đại biểu đề nghị được chất vấn Chính phủ.

Ông Trần Đình Đàn - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết trong các phiên chất vấn tới đây, các vấn đề liên quan đến giá vàng, đôla sẽ được đưa ra chất vấn. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ giải trình tại sao giá vàng và đôla "nhảy múa" trong thời gian qua, vai trò kiểm soát của Nhà nước như thế nào.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội - Phùng Quốc Hiển, diễn biến giá sẽ do thị trường quyết định, nhưng Quốc hội cho rằng, phải ổn định chính sách tiền tệ, quản lý vĩ mô trong đó có tỷ giá, vàng, đôla. "Chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường nhưng vẫn phải kiểm soát", ông Hiền nói.

Giới chuyên gia cho rằng, những biến động trên thị trường vàng sẽ có tác động nhất định đến mặt bằng giá cả, đặc biệt những giao dịch chấp nhận thanh toán bằng vàng như nhà đất. Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, khi giá vàng lên đến mức cao như hiện nay, thì khi điều chỉnh, thì cũng sẽ ở một mặt bằng giá cao hơn trước đợt tăng giá.

Còn Giáo sư Hà Tôn Vinh thì cảnh báo việc người dân đổ xô đi mua vàng vào thời điểm này tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn. Ông Vinh cho rằng bài học từ thị trường chứng khoán sẽ tiếp diễn với thị trường vàng. Tâm lý bất ổn và mua bán theo đám đông khiến người dân đổ xô đi mua lúc giá cao và ồ ạt bán khi giá bắt đầu giảm. Nền kinh tế cần nhiều tiền để đầu tư kinh doanh thì người dân lại đổ vào mua vàng khiến thị trường mất lượng tiền kinh doanh. "Khi thị trường vàng bắt đầu giảm nhiệt, giá giảm thì người dân mua vàng lúc sốt sẽ chịu thiệt lớn, chỉ có những người đầu cơ lướt sóng là có lợi mà thôi", ông Vinh nhấn mạnh.

Giáo sư Vinh đề nghị Chính phủ phải có những chiến lược kinh tế dài hạn, không nên dùng những giải pháp tình thế tạo sự thiếu nhất quán trong chiến lược, dễ dẫn đến tình trạng hoang mang trong người dân. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có chiến lược đầu tư để phát triển bền vững. Tuy nhiên do những thay đổi về chính sách và áp lực kinh tế, các doanh nghiệp dần trở thành doanh nghiệp “tình huống”. Do vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó phát triển vì chỉ lo đối phó với từng tình huống mà không có được sự đầu tư dài hạn.

Theo chuyên gia phân tích Frederic Panizzutti của hãng MKS Finance, thị trường vàng nhiều khả năng sẽ biến động mạnh sau khi lên đến các mức giá cao. Diễn biến tăng vọt gần đây không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia quốc tế, và những biến động mạnh có thể còn diễn ra trong vài tuần tới. Riêng với thị trường Việt Nam, ông cho rằng, ngoài tác động của thế giới, có thể còn có ảnh hưởng của tâm lý lo ngại đồng tiền sẽ mất giá. Chính vì lý do này mà sức mua trên thị trường tăng lên.

Trong khi đó, Luật sư - chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Bích phân tích giá vàng tăng cao không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên giá USD tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất nhập khẩu, vay nợ và trả nợ. USD tăng làm đồng Việt Nam mất giá nhưng sẽ gia tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tỷ giá hối đoái tăng cao.