Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch Covid-19 để thu lời bất chính

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "TP Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch Covid-19 để thu lời bất chính" - đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 TP Hà Nội chiều 19/5.

Lợi dụng dịch Covid-19 để kiếm lời
Báo cáo của BCĐ 389 TP Hà Nội cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt mặt hàng khẩu trang, vật tư y tế, dung dịch nước sát khuẩn phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã sản xuất, kinh doanh mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ giả, nước rửa tay sát khuẩn kém chất lượng; mua gom, đầu cơ, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý trong nước và xuất lậu sang nước ngoài để kiếm lời.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng vật tư y tế, lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Điển hình, ngày 31/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã kiểm tra, phát hiện 2 lô hàng với 365.000 khẩu trang xuất khẩu đi Hồng Kông (Trung Quốc) của Công ty TNHH Logistic NH Green Việt Nam, địa chỉ số 115 Phạm Huy Thông. Tiếp đó, ngày 10/4, Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra Công ty TNHH phát triển thương mại dịch vụ Hưng Thịnh Phát (TT9, khu đô thị Văn Phú) đã phát hiện DN gia công sản xuất 111.000 chiếc khẩu trang chống bụi KT5 không có công bố chất lượng; 14.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, 4.100 bộ quần áo vải không dệt và 600 chiếc kính đeo mắt bảo hộ vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn vụ vi phạm đã bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, xử lý trong dịch Covid-19.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Chu Xuân Kiên và các đại biểu có chung phản ánh, một số quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tế, đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tăng giá, xuất lậu thu lời bất chính trong dịch Covid-19.
“Khẩu trang y tế không thuộc danh mục hàng hóa nhà nước quản lý giá nên lực lượng chức năng rất khó xử lý hành vi định giá mua, bán bất hợp lý. Mặt khác, quy định pháp luật không đủ căn cứ để khởi tố hình sự đối với hành vi đầu cơ kinh doanh mặt hàng khẩu trang” - ông Kiên nói.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
Các cấp đều phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm
Nhằm khắc phục những khó khăn này, các đại biểu có chung kiến nghị, để bảo đảm xử lý vi phạm đúng quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy định cụ thể các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch nói chung và dịch Covid-19 nói riêng vào danh mục hàng hóa nhà nước quản lý giá.
Trước những kiến nghị của các lực lượng chức năng đối với mặt hàng phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, do dịch Covid-19 mới chỉ được khống chế chứ chưa dập được nên đưa mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn, các mặt hàng phòng chống dịch vào nhóm mặt hàng bình ổn giá hoặc mặt hàng dự trữ quốc gia trong ngắn hạn. “Qua đó, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm” - ông An nói.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu thủ trưởng các lực lượng chức năng, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn, có cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, BCĐ 389 TP Hà Nội chú trọng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn, điểm phát luồng hàng các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, vì vậy BCĐ 389 Hà Nội xác định đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Để ngăn chặn hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả, TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho công an, quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng của trung ương, địa phương đẩy mạnh công tác chống buôn lậu.