Theo đó, Sở GTVT yêu cầu các DN vận tải phải thực hiện xong và báo cáo về Sở trước ngày 30/4. Tuy nhiên, do thời gian triển khai gấp, số đối tượng cần kiểm tra lại lớn, tiêu chí khám, nguồn kinh phí thực hiện chưa rõ ràng… khiến nhiều DN lo lắng.
Doanh nghiệp lúng túng
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 107 DN taxi với trên 17.000 xe; 704 DN hoạt động vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định với trên 4.000 xe; trên 2.333 DN, hộ cá thể, HTX với 5.884 phương tiện vận tải khách bằng xe hợp đồng; 111 đơn vị với 795 xe hoạt động vận tải bằng xe container; 12 DN vận tải khách bằng xe buýt với 1.300 xe. Như vậy, chỉ cần nhẩm tính theo đầu xe sẽ có gần 30.000 lái xe thuộc diện bắt buộc phải kiểm tra sức khỏe, đó là chưa tính đến việc các hãng taxi, xe buýt, DN có xe khách chạy đường dài mỗi xe thường có trung bình từ 2 - 3 lái xe. Theo quy định, đơn vị vận tải đóng trên địa bàn quận, huyện nào thì tổ chức khám SKLX tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn đó hoặc các bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, với số lượng lái xe thuộc diện kiểm tra đông như hiện nay, cùng với việc các DN phân bố không đều về địa lý (tập trung chủ yếu ở 2 quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng - PV) thì nguy cơ quá tải tại các trung tâm y tế có thể xảy ra. Bên cạnh đó, trong đợt này, Sở GTVT yêu cầu các DN tập trung kiểm tra lái xe có sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện hay không? Do vậy, nếu không kiểm tra sát sao, nguy cơ lái xe, DN mua giấy khám sức khỏe để đối phó, tránh bị kiểm tra, xử lý như đã từng xảy ra có thể lại bùng phát. Bên cạnh đó, những vấn đề như nguồn kinh phí thực hiện, những tiêu chí kiểm tra... chưa rõ ràng, khiến nhiều DN tỏ ra lúng túng.
Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện
Ông Nguyễn Hồng Minh - Giám đốc Hãng taxi Nguyên Minh cho biết, việc kiểm tra SKLX là hoạt động thường xuyên của DN. Không chỉ kiểm tra trước khi ký hợp đồng, trong quá trình làm việc, các DN vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra sức khỏe đột xuất với lái xe. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thời gian để các DN hoàn thành quy định trên chỉ còn khoảng 40 ngày. Do đó, nếu không có hướng dẫn, sự kiểm tra sát sao thì nguy cơ xuất hiện tiêu cực, bỏ sót vi phạm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, đề nghị Sở GTVT kéo dài thời gian thực hiện quy định trên để công tác kiểm tra SKLX mang lại hiệu quả như mong muốn.
Đồng quan điểm với ông Minh, ông Đào Tuấn - Phó Giám đốc Hãng taxi Mai Linh cho biết, tại Hà Nội, DN này có khoảng 2.000 xe, với hơn 4.000 lái xe. Hiện tại, một số lượng lớn lái xe có giấy khám sức khỏe vẫn còn hiệu lực (hiệu lực trong 6 tháng - PV) nên hoàn toàn có thể thực hiện được theo đúng chỉ đạo của Sở GTVT. Cũng theo ông Tuấn, để kết quả kiểm tra phản ánh đúng thực tế, ngoài việc kiểm tra đột xuất, các DN cần giám sát chặt quá trình lấy mẫu đem đi xét nghiệm, tránh tình trạng "mượn" mẫu để "né" bị phát hiện vi phạm.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, để chủ trương này đem lại hiệu quả như mong muốn, các DN cần chủ động kiểm tra, bởi việc làm này ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của DN. Liên quan đến địa điểm tổ chức khám SKLX, ông Linh cho biết, với những khu vực tập trung nhiều đơn vị vận tải thuộc diện kiểm tra, Sở GTVT sẽ đề nghị Sở Y tế bổ sung thêm người, trang thiết bị để đảm bảo đúng tiến độ kiểm tra. Cùng với đó, Sở GTVT sẽ thành lập các đoàn công tác kiểm tra đột xuất việc thực hiện của các DN, kiên quyết xử lý nghiêm những DN làm theo kiểu đối phó. Sau đợt khám sức khỏe này, Sở GTVT sẽ tổng hợp kết quả, nếu phát hiện lái xe không đủ điều kiện sức khỏe hoặc dương tính với chất gây nghiện, ma túy, Sở sẽ có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải chấm dứt hợp đồng lái xe.
Lái xe phải có sức khỏe tốt để đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: Quỳnh Anh
|
"Nếu phát hiện lái xe có sử dụng chất gây nghiện mà vẫn có giấy khám sức khỏe đạt chuẩn, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị Sở GTVT làm việc với Sở Y tế để xử lý nghiêm những đơn vị cấp giấy khám sức khỏe sai quy định". Ông Bùi Danh Liên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội |