Đây là nhận định của Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Giáp tại cuộc họp liên ngành mới đây về bảo đảm ATGT đường thủy trong mùa mưa bão 2014.
Nhiều vi phạm
Theo thống kê, các tuyến sông chính chảy qua địa bàn Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 195km. Trên toàn tuyến có 95 bến kinh doanh vật liệu xây dựng và 34 bến đò ngang. Trong đó, một số bến chưa được cấp phép hoạt động như trên địa bàn huyện Ba Vì, Phúc Thọ... Bên cạnh đó, hầu hết các bến đò ngang đều không có phao tiêu.
Cả chủ đò và khách ở bến đò phà Chương Dương, Thường Tín đều chưa mặc áo phao khi qua sông. Ảnh: Công Trình
|
Đơn cử, tại huyện Phúc Thọ, địa phương có nhiều tuyến sông chảy qua, cứ đến mùa mưa bão, người dân lại phải đối mặt với nỗi lo mất ATGT đường thủy. Ông Khuất Duy Hùng - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ cho biết, trên địa bàn huyện có 3 con sông chảy qua là sông Tích, sông Đáy và sông Hồng. Tuy nhiên, chỉ có sông Hồng là tàu thuyền hoạt động nhiều nhất. Thống kê cho thấy, tại 10km sông đi qua địa bàn có 3 bến đò, 7 vị trí là nơi trung chuyển vật liệu xây dựng như cát, đá... trong đó có vài vị trí không có phép. Tại đây, mật độ tàu thuyền lưu thông lớn, cao điểm là đêm và gần sáng. Chưa hết, lợi dụng việc TP đang triển khai dự án nạo vét, nắn chỉnh dòng sông, một số hộ dân đã trà trộn vào để hút cát từ dưới sông lên bán. "Dù lực lượng chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm nhưng đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa được giải quyết triệt để" - ông Hùng thừa nhận.
Trung tá Đỗ Trọng Nghĩa - Phòng Cảnh sát đường thủy cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép đã tồn tại khá lâu. Đáng chú ý là các doanh nghiệp lợi dụng được cấp giấy phép khai thác bãi nổi để khai thác cát trái phép ở lòng sông. Trong khi đó, tại các bến đò khách ngang sông, dù đã nhiều lần được các lực lượng liên ngành kiểm tra, nhắc nhở, chủ đò cũng đã trang bị phao nhưng hầu hết khách đi đò đều không mặc áo phao. Để bảo đảm ATGT đường thủy mùa mưa bão, Trung tá Đỗ Trọng Nghĩa cho rằng, lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng cho các chủ khai thác cát và người dân sinh sống ven sông hiểu và nắm rõ quy định, từ đó chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy.
Sau giải tỏa, bàn giao cho địa phương giữ
Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp, để bảo đảm ATGT đường thủy, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 533 trường hợp vi phạm, phạt hành chính gần 920 triệu đồng. Đặc biệt, Công an TP Hà Nội và các quận, huyện đã xử lý hình sự một số vụ việc và cá nhân liên quan đến việc khai thác cát trái phép.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết năm 2014 với việc dự báo sẽ có nhiều trận bão, lũ, nên công tác bảo đảm ATGT đường thủy đã được UBND TP quan tâm, chỉ đạo. Thực hiện chỉ đạo này, từ ngày 16/6, các lực lượng chức năng của TP sẽ ra quân kiểm tra xử lý các vi phạm về ATGT đường thủy trên tất cả các tuyến sông, hồ; giải tỏa các tụ điểm neo đậu tàu thuyền trái phép; kiểm tra tình hình khai thác cát, sỏi trên các sông... Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp, để bảo đảm ATGT đường thủy, sau kiểm tra, giải tỏa, liên ngành sẽ tổ chức bàn giao cho chính quyền các địa phương quản lý, duy trì nhằm chống tái lấn chiếm. Liên quan đến việc cắm phao tiêu, biển báo để cảnh báo tàu thuyền, ông Giáp khẳng định, sẽ cho lực lượng kiểm tra và xử lý ngay, bởi nếu cắm biển báo, phao tiêu mà bảo đảm ATGT thì không cớ gì mà không làm.
Liên quan đến vụ tai nạn lật thuyền trên Hồ Tây trong cơn dông chiều 4/6, khiến 2 người thiệt mạng, Thượng tá Lê Sinh Hùng - Phó trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết, trên hồ vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường thủy. Bởi hiện nay có nhiều điểm dịch vụ đạp vịt, nhà hàng nổi... nhưng phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh không để ý đến vấn đề áo phao đảm bảo an toàn cho khách. Đó là chưa kể có rất nhiều người dân đưa thuyền xuống hồ để hoạt động. |