Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nhanh các ngân hàng yếu kém

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khẩn trương xử lý nợ xấu và sớm đưa lãi suất về đúng quy luật thị trường.

Đó là ý kiến đã được các chuyên gia và những người làm chính sách đưa ra tại Hội thảo về "Bức tranh toàn cảnh ngân hàng 2012 và khuyến nghị 2013" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Học viện Ngân hàng phối hợp tổ chức ngày 25/12 tại Hà Nội.

Nhiều ngân hàng nợ xấu lên đến 40%

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng - Học viện Ngân hàng cho thấy, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 của NHNN đã đạt được một số thành công. Đó là kiềm chế lạm phát ở mức thấp (6,81%), tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất cho vay giảm mạnh, chính sách chống đôla hóa và vàng hóa được thực hiện triệt để... 

Xử lý nhanh các ngân hàng yếu kém - Ảnh 1

Ảnh:Trần Việt
 
Bên cạnh những "điểm sáng" này, Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề lớn mà hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tìm cách khắc phục. Đó là  nợ xấu, việc tăng trưởng tín dụng bị thu hẹp, tỷ lệ vốn tự có/tổng tài sản của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức thấp và những rủi ro từ sở hữu chéo ngân hàng. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, niềm tin người dân suy giảm thì những kết quả mà chính sách điều hành tiền tệ đạt được đến nay là một nỗ lực lớn. 

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho rằng, cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề nợ xấu. "Phần lớn nợ xấu tập trung vào một số ngân hàng thương mại; thậm chí có những ngân hàng nợ xấu lên đến 40%. Hiện, chúng ta đang vướng từ 4 - 6 ngân hàng nhỏ, không đủ khả năng vay trên thị trường liên ngân hàng nên quay ra thị trường dân cư huy động vốn bằng mọi giá" - ông Nghĩa cho biết. Bởi vậy, cần thiết phải xử lý gọn và nhanh số ngân hàng này.

Cùng quan điểm này, TS Cấn Văn Lực - Cố vấn HĐQT BIDV cho rằng, năm 2012, Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được nói đến nhiều. Tuy nhiên, quá trình thực hiện và hiệu quả đạt được vẫn chưa nhiều. Bởi vậy, chính sách tiền tệ năm 2012 phải đẩy nhanh hai vấn đề này. 
Xử lý nhanh các ngân hàng yếu kém - Ảnh 2
Xử lý nhanh chóng và quyết liệt các ngân hàng yếu kém.Ảnh: Linh Việt

Sớm tự do hóa lãi suất

Theo các chuyên gia, năm 2013 vẫn là năm khó khăn. Vì thế, việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn phải kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Phạm Xuân Hòe cho biết, năm 2013, NHNN cũng như hệ thống ngân hàng thương mại phải kiên quyết xử lý nợ xấu và cung ứng tín dụng một cách hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng. "Lộ trình giảm lãi suất sẽ theo hướng đưa lãi suất về đúng góc độ thị trường, cần hướng đến tự do hóa lãi suất" ông Hòe nói.

Nhiều ý kiến cũng tỏ ra không ủng hộ các biện pháp hành chính. Theo TS Cấn Văn Lực, có thời điểm, việc áp dụng các biện pháp hành chính là cần nhưng không phải quá lâu. "Đặc biệt, hiện, câu chuyện áp trần lãi suất cho vay đang được NHNN tính đến. Thêm một biện pháp hành chính không giải quyết được vấn đề. Mà nếu làm được thì chi phí sẽ rất lớn"- ông Lực nhận định.

Một vấn đề nữa theo các chuyên gia cần được lưu ý trong việc điều hành tiền tệ 2013 là sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đại diện NHNN đưa ra một thực tế tại thời  điểm tháng 8/2012, trong khi các chính sách tiền tệ đang phát huy tác dụng thì việc một loạt các dịch vụ y tế tăng phí đã làm lạm phát tăng vọt. Thực tế này cho thấy, cần phải phối hợp đồng bộ trong các chính sách để đạt hiệu quả, tránh mạnh ai nấy làm. Đây cũng là việc cần tính đến trong điều hành chính sách tiền tệ.

Nhóm Nghiên cứu Ngân hàng - Học Viện Ngân hàng đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2013. Theo đó, kịch bản xấu nhất là tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) đạt 4,96%, tín dụng tăng 9,73%. Kịch bản tốt nhất là GDP đạt 6,01%, tăng trưởng tín dụng đạt 12,94%. Kịch bản trung bình, tăng trưởng GDP đạt 5,44%, tăng trưởng tín dụng đạt 11,68%.