Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nợ xấu cần đồng bộ và mạnh mẽ hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là ý kiến của các chuyên gia Tại buổi tọa đàm “Tái cấu trúc ngân hàng và xử...

Kinhtedothi - Đây là ý kiến của các chuyên gia Tại buổi tọa đàm “Tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức mới đây.

Khó khăn về nguồn lực, cơ chế

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đánh giá, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực giải quyết nợ xấu và thực tế mang lại những hiệu quả tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được khoảng 201.000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho đến hiện nay chỉ mới mua được 56.000 tỷ đồng nợ xấu.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng: Tính đến 1/9/2014, VAMC đã mua được 3.591 khoản nợ tương ứng với 59.511 tỷ đồng, dư nợ gốc nội bảng với giá mua là 49.378 tỷ đồng của 35 tổ chức tín dụng. VACM cho biết: Việc bán lại bên nợ xấu cho bên thứ 3 cũng có tín hiệu khả quan khi nhiều nhà đầu tư muốn mua lại nợ xấu.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TS Trần Du Lịch cho rằng, nợ xấu hiện nay vẫn  là điểm nghẽn và nguy cơ gây bất ổn thanh khoản của hệ thống ngân hàng, cần phải giải quyết dứt điểm nợ xấu trong thời gian sớm nhất. Các khoản nợ xấu hiện nay chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường bất động sản rất thấp. VAMC vừa không đủ dòng tiền xử lý nợ, lại khó bán được tài sản do bị vướng nhiều thủ tục nhiêu khê.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại khó giải quyết được nợ xấu bằng nguồn tài chính của họ, cần có một dòng vốn bên ngoài để kích thích.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một nguyên nhân khiến nợ xấu chưa được giải quyết triệt để do thiếu nguồn lực tài chính để có thể hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu.  Cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu chậm được hoàn thiện. Ngoài ra, một bộ phận tổ chức tín dụng chưa chủ động tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cũng cho rằng, mô hình xử lý nợ xấu không dùng vốn ngân sách mang tính đặc thù chưa hề có trên thế giới, do vậy nhiệm vụ cùa VAMC là “vừa khai phá, vừa thiết kế, vừa thi công”. Vì vậy, cơ chế nghiệp vụ cần phải thay đổi liên tục sao cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Sớm có cơ chế xử lý, thị trường hóa mua bán nợ xấu

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gợi ý, để tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả thì hầu hết phải lập Quỹ tái cấu trúc ngân hàng. Cần phải xây dựng thể chế hỗ trợ cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hoàn thiện các thiết chế an toàn hoạt động ngân hàng, xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng.

TS Trần Du Lịch cho rằng, VAMC cần triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Để có nguồn vốn cho việc mua bán nợ này, cần bổ sung nguồn tài chính cho VAMC bao gồm tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài. NHNN phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. Cần tạo cơ chế đặc thù cho VAMC, như cho phép đơn vị này có những quyền hạn đặc biệt trong xử lý vướng mắc về tài sản bảo đảm; sang tên đổi chủ tài sản bất động sản.

Về cơ chế phối hợp liên ngành, TS Trần Du Lịch cho rằng Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ, hoàn thiện các quy định tài chính về hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Bộ Tư pháp cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản của Công ty VAMC.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng trình bày các phương án xử lý nợ xấu từ năm 2016, trong đó có phương án VAMC sẽ hạn chế dần mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt mà sẽ chuyển sang mua theo giá thị trường, thông qua cơ chế phát hành trái phiếu, tín phiếu hoặc vay vốn nước ngoài để mua nợ xấu mới phát sinh. Một phương án khác là VAMC được Chính phủ giao quyền hạn đặc biệt để xử lý nợ xấu trong việc thu giữ, phát mại, đấu giá khoản nợ, tài sản…