Xử lý rác thải nông thôn tại Hà Nội: Nhanh chóng cải tiến công nghệ

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với thực trạng rác thải nông thôn như hiện nay, nếu không quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, rác thải sẽ là một nguy cơ lớn đe dọa môi trường và cả sự phát triển bền vững của đô thị.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở ngoại thành đã thành lập các tổ thu gom rác thải trong thôn xóm và chở đến đổ tại địa điểm quy định. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bãi chứa rác tạm thời và luôn trong tình trạng quá tải.
Còn nhiều cái khó
Tại bãi tập kết rác thải của xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, hàng trăm tấn rác ứ đọng nhiều ngày qua, với đủ các loại vỏ chai lọ, vỏ thuốc trừ sâu, chăn chiếu rách, đồ ăn thức uống… lấn cả xuống kênh mương, tràn ra đường, khiến cho không khí cả một khu vực rộng lớn nồng nặc, đặc quánh mùi hôi. Người dân sống gần bãi rác cho biết, cuộc sống của họ quanh năm bị ảnh hưởng bởi bãi rác này. Ở một số xã khác như Khánh Hà, Hiền Giang, Hòa Bình... không chỉ người dân, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh tìm cách đổ rác thải, đốt rác ngoài đường, cánh đồng, ven sông, trên triền đê…
 Bãi rác đầu xã Ninh Sở, huyện Thường Tín luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Hà Ánh
Theo Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp, mặc dù huyện đã có nhiều biện pháp khắc phục nhưng tình trạng tồn đọng rác thải, xả rác không đúng nơi, sai giờ quy định và nạn đổ trộm phế thải vẫn còn tái diễn. Trong khi đó, vấn đề khó khăn nhất với hầu hết các địa phương là việc thu gom rác ở các ngõ, xóm bề rộng dưới 2m chưa nằm trong gói thầu.
Cùng với đó, mức giá dịch vụ không đủ cân đối thu - chi nên hoạt động thu gom còn hạn chế. "Hiện tại, các quận có mức thu là 6.000 đồng/người/tháng nhưng cấp huyện chỉ thu ở mức giá 3.000 đồng/người/tháng, trong khi việc thu gom rác ở các huyện đòi hỏi công nhân di chuyển xa hơn, địa bàn rộng hơn khu vực nội đô" - ông Hiệp chia sẻ.
Là huyện phía Nam TP Hà Nội, Mỹ Đức hiện cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu cơ sở vật chất trong xử lý rác thải. Đặc biệt, 13 điểm trung chuyển được quy hoạch trên địa bàn 13 xã chưa được đầu tư xây dựng do thiếu nguồn vốn. Đây cũng là một trong những khó khăn của Hà Nội khi thiếu điểm trung chuyển, khu xử lý rác để giảm tải cho các khu vực xử lý chất thải rắn tập trung của TP. Bên cạnh đó, việc phân loại tại nguồn chưa tốt, rác thải sinh hoạt lại lẫn với rác thải nông nghiệp, chưa phân loại rác thải tái chế hay chôn lấp…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt 99 - 100%, tại các huyện đạt 87 - 88%. Như vậy, có ít nhất hơn 10% rác thải sinh hoạt ở ngoại thành... vẫn còn nằm lăn lóc ở lề đường, bờ đê, kênh mương.
Tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT về công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn TP diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã lưu ý cần tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt phát điện trọng điểm.
Với thực trạng rác thải nông thôn Hà Nội, không thể mang rác đi chôn mãi trong khi các bãi chôn lấp đã kín, nhà máy quá tải. Rác thải phải được xử lý tập trung hoặc xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, biến thành nguồn lợi cho xã hội.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TSKH Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, cần phải nhanh chóng cải tiến công nghệ xử lý rác. Nhiều nước tiên tiến đã sử dụng công nghệ đốt phát điện, phế thải sau đó dùng san lấp, bởi khi rác được đốt, lượng chất thải tro xỉ chỉ còn 10 - 15%. Như vậy sẽ không tốn quỹ đất cho việc xử lý chất thải. Trong khi hiện nay, Hà Nội đang gặp phải những khó khăn khách quan khi xây dựng các khu xử lý rác tập trung.
"Để có thể thực hiện được, yêu cầu lớn nhất là giáo dục, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự giác từ việc giảm thiểu chất thải phát sinh tại nguồn, phân loại tốt để hạn chế tối đa các chất thải cần phải đưa đi tập trung xử lý" - TSKH Đặng Thị Kim Chi nhận định.
Cuối năm 2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn, khởi công vào năm 2018. Theo kế hoạch, dự án cơ bản hoàn thành vào tháng 8/2020 và đưa vào vận hành thử trong tháng 10/2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần