Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý tin nhắn rác: Nhà mạng không thể đứng ngoài cuộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Công ty chuyên về an ninh mạng - Bkav vừa công bố có 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động mỗi ngày, nhưng theo các chuyên gia, lượng tin nhắn rác phát tán thực tế còn lớn hơn nhiều.

Để hạn chế tình trạng này, chiều 13/11, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác…

Xử lý tin nhắn rác: Nhà mạng không thể đứng ngoài cuộc - Ảnh 1

Hàng ngày mỗi thuê bao di động bị hàng chục tin nhắn rác "hỏi thăm". Ảnh: An Nhiên

“Bội thực” vì tin nhắn rác

Theo báo cáo về thực trạng tin nhắn rác của Thanh tra Bộ TT&TT, những hình thức nhắn tin lừa đảo phổ biến hiện nay gồm: Nhắn nội dung hướng dẫn người dùng tải game... để cài đặt vào máy điện thoại nhưng trong quá trình người sử dụng cài đặt lại ngấm ngầm trừ tiền (15.000 đồng) trong tài khoản; tin nhắn lừa đảo, tặng quà nhắm vào lứa tuổi học trò, học sinh, sinh viên hay những người ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết; tin nhắn có nội dung trao giải, trúng thưởng; tin nhắn mạo danh các doanh nghiệp viễn thông với mục đích lừa đảo người dùng gọi vào các tổng đài 1900xxxx…

Công ty Bkav mới đây đã thống kê mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại di động của người dùng tại Việt Nam. Mặc dù vậy, lượng tin nhắn rác thực sự phát tán ra mỗi ngày có thể nhiều hơn 9,8 triệu tin vì quá trình thanh tra của Bộ TT&TT cho thấy, các CSP (công ty cung cấp dịch vụ nội dung số trên mạng di động) có thể phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ (tương đương khoảng 240.000 tin nhắn/ngày). Hiện có khoảng 400 CSP, các CSP này trực tiếp hoặc ký kết với vài chục hoặc hàng trăm công ty vệ tinh để cùng cung cấp dịch vụ vì thế có thể thấy lượng tin nhắn rác phát tán mỗi ngày sẽ là một con số khổng lồ!

Cần vào cuộc quyết liệt

Hồi tháng 5/2012, đã có 3 DN tại Hà Nội bị Thanh tra Bộ TT&TT xử phạt tiền và chấm dứt dịch vụ, thu hồi đầu số 6x61, 7x68, 6x23 vì hành vi phát tán mỗi ngày hàng chục ngàn tin nhắn SMS mang nội dung lừa đảo, cờ bạc, mê tín dị đoan… Song theo Thanh tra Bộ TT&TT và Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp máy tính Việt Nam - VNCERT, mức xử phạt các DN có hành vi phát tán tin nhắn rác là quá thấp, chỉ vài chục chiệu đồng là không có tính răn đe. Do đó, Nghị định 77/2012/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác nhằm thêm chế tài xử lý tình trạng này.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống tin nhắn rác chỉ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia của các nhà mạng. Tại Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định 77 diễn ra chiều 13/11, đại diện VNPT và Viettel đều khẳng định họ đã xây dựng các hệ thống chặn tin nhắn rác, khóa đầu số các công ty cung cấp nội dung số trên di động (CSP) vi phạm và chấp nhận giảm doanh thu để kiên quyết xử lý tin nhắn rác. Cụ thể, theo Phó Tổng giám đốc VNPT Nghiêm Phú Hoàn, VNPT đã xây dựng và triển khai phần mềm chặn tin nhắn có khả năng chặn tin nhắc rác theo từ khóa và theo tần suất nhắn tin của thuê bao, hệ thống phát hiện tin nhắn spam từ sim trả trước. Trong 10 tháng qua, VNPT đã thực hiện khóa cú pháp 70 CSP, tạm khóa hoặc cắt kết nối với 60 CSP, thu hồi đầu số của 4 CSP. Với các DN cung cấp dịch vụ 1900, VNPT đã thực hiện tạm ngưng kết nối của 102 đơn vị, áp dụng đối với các đầu số bị khóa cú pháp, nhắc nhở 2 lần trở lên hoặc đối với các đối tác spam tin có nội dung lừa đảo hay spam tin có số lượng lớn.

Còn theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom, từ tháng 1/2012 đến nay, Viettel đã khóa 61 đầu số và 3.000 thuê bao di động phát tán tin nhắn rác, lừa đảo. Viettel đã xây dựng hệ thống chống spam theo tốc độ nhắn tin và kiểm soát được khoảng 60% dung lượng tin nhắn.  Viettel cũng tăng cường cảnh báo khách hàng về nạn tin nhắn lừa đảo qua SMS cũng như xây dựng hệ thống thu thập, xử lý, tiếp nhận tin nhắn rác. Tới đây, Viettel sẽ xây dựng hệ thống yêu cầu các CSP đăng ký dịch vụ, mã lệnh thì mới có thể thực hiện việc nhắn tin đến khách hàng. Đại diện Viettel đề xuất Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an để điều tra, xử lý hình sự đối với tin nhắn lừa đảo, các tin nhắn cung cấp đường dẫn sex. Có thể thấy, các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng vào cuộc cùng Bộ chủ quản để triệt tận gốc tin nhắn rác.