Sau khi báo Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh về 3 trạm trộn bê tông không phép vi phạm pháp luật đê điều nằm dọc đê Tả Đuống (xã Yên Viên, Gia Lâm), cuối tháng 8/2011, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã có công văn yêu cầu UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo, tổ chức xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật đê điều mà báo đã nêu, xong trước ngày 15/9/2011. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xã Yên Viên, đến thời điểm đã gần 50 ngày trôi qua, huyện và xã vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao. Cụ thể, chính quyền huyện Gia Lâm mới tháo dỡ được 2 trạm trộn không phép trong tổng số 3 trạm có vi phạm. Đáng chú ý, trong khi trạm trộn bê tông của Công ty CP Mạnh Hà Sông Đà và Công ty CP Đức Mạnh đã bị lực lượng chức năng của huyện Gia Lâm cưỡng chế tháo dỡ, thì trạm trộn thuộc của Công ty CP Vật tư nông nghiệp vẫn còn đó.
Chiều 1/11, ghi nhận tại hiện trường của phóng viên cho thấy, phản ánh của người dân là đúng. Trạm trộn vật tư nông nghiệp, tuy không hoạt động nhưng mới chỉ bị tháo dỡ... ống khói, còn công trình vi phạm pháp luật đê điều vẫn y nguyên. Bốn phía của công trình vi phạm này hiện được "che chắn" bởi những đống cát, sỏi, vật liệu xây dựng chất cao. Dư luận tại xã Yên Viên đang rất bức xúc với cách xử lý, cưỡng chế nửa vời của lực lượng chức năng huyện Gia Lâm. Nhiều người đoán rằng, do chủ Trạm trộn bê tông vật tư nông nghiệp là người nhà của lãnh đạo huyện nên dù cùng mức độ và hành vi vi phạm như nhau, vị trí đặt trạm chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng trạm vật tư nông nghiệp được xử lý nương nhẹ hơn hẳn so với 2 trạm còn lại.
Trao đổi với báo giới về thông tin trên, ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm phân trần: "Không phải là người nhà của lãnh đạo huyện đương nhiệm mà chủ trạm đó là người nhà của một đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện từ nhiều khóa trước. Tuy nhiên, phải nói ngay là việc đó không có liên quan gì tới xử lý nặng hay nhẹ. Tất cả vi phạm đều phải được xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật."
Ông Nguyễn Huy Việt nhắc đi nhắc lại nhiều lần, chủ trương của huyện Gia Lâm là thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ dứt điểm cả 3 trạm trộn không phép trên đê Tả Đuống, gần khu vực trạm bơm Cống Thôn, xã Yên Viên, đoạn Km 10 + 750, chứ không hề e ngại hay né tránh. "Tôi sẽ trao đổi lại với anh Dũng (ông Dương Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm - người phụ trách xử lý vụ việc) để kiểm tra vì sao chưa xử lý dứt điểm cả 3 trạm đó. Huyện không bao che hay nương nhẹ ai hết, 3 trường hợp vi phạm đó đều sẽ được giải quyết triệt để theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội..." - ông Việt cho hay.
Cuối tháng 10/2011, TP Hà Nội tiếp tục có văn bản số 9003, gửi Sở NN&PTNT và một số đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều. Giao Sở TN&MT phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm những hoạt động khai thác cát sỏi, lập bến bãi trung chuyển vật liệu trái phép ở bãi sông.