Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm tại Quốc Oai: Chưa đủ sức răn đe

Văn Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lực lượng quản lý mỏng, các cơ sở sản xuất lại nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư trong khi việc xử lý vi phạm hành chính còn thiếu kiên quyết khiến cho công tác quản lý ATTP tại huyện Quốc Oai chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Xử phạt còn thấp

Toàn huyện Quốc Oai hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Thời gian qua, công tác quản lý ATTP trên địa bàn huyện đã được quan tâm, nhất là khi mô hình cải thiện dịch vụ ăn uống và duy trì đảm bảo ATTP tại tuyến phố văn minh được triển khai. Hàng năm, các lực lượng chức năng của huyện Quốc Oai tổ chức kiểm tra, giám sát trên 3.000 lượt cơ sở, trong đó cơ sở có điều kiện đạt VSATTP trung bình từ 82% trở lên.

 Sản xuất miến dong tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai.          Ảnh: Quang Thiện

Thực hiện Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 9/5/2016 của UBND TP về quy định phân công trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn TP, huyện Quốc Oai cũng phân cấp cụ thể cho từng ngành, xã, thị trấn. Tuy nhiên, theo ông Sỹ Danh Hạnh – Trưởng phòng Y tế huyện Quốc Oai, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như tổ chức bộ máy quản lý chuyên ngành còn chưa hoàn thiện. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra chuyên ngành rất mỏng, lại phân tán nên việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Đặc biệt tâm lý làng xóm, họ hàng đã làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính ATTP.

Kết quả trên được thể hiện rõ qua báo cáo đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến lĩnh vực ATTP của huyện Quốc Oai trong vòng 5 năm qua. Đơn cử như năm 2012, toàn huyện mới xử phạt được 10 cơ sở vi phạm với số tiền 12,5 triệu đồng, bình quân chỉ đạt 1,25 triệu đồng/cơ sở. Năm 2015, qua tổ chức 24 đoàn thanh tra, kiểm tra, huyện Quốc Oai ra quyết định xử phạt 35 cơ sở vi phạm về điều kiện ATTP với số tiền 57,4 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2016 xử phạt 13 cơ sở với tổng số tiền 14,7 triệu đồng. Với các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng… rõ ràng mức xử phạt như trên chưa đủ sức răn đe.

Tăng trách nhiệm

Kết quả giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến ATTP tại huyện Quốc Oai mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cũng cho thấy nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Đơn cử, tại làng nghề sản xuất miến dong xã Tân Hòa, có cơ sở công nhân thiếu đồ bảo hộ lao động, khu vực chế biến và nguồn nước chưa đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP…

Theo lãnh đạo huyện Quốc Oai, việc quản lý ATTP gặp nhiều khó khăn do văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, nhiều nội dung khó áp dụng. Chẳng hạn như việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, theo quy định cơ sở phải nằm ngoài khu dân cư nhưng thực tế ở địa phương thì hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ và nằm trong khu dân cư. Hơn nữa, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến không đăng ký kinh doanh, hoạt động thời vụ nên rất khó quản lý và gây khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra. Bà Nguyễn Thị Sắc – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, nhằm hạn chế vi phạm về ATTP, phòng đã tham mưu cho huyện quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn và triển khai cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo ATTP.

Theo ông Nguyễn Mậu Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP của huyện Quốc Oai còn rất thấp (173 cơ sở). Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ cần được huyện quan tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, các cơ sở sản xuất về quy định đảm bảo ATTP bằng nhiều hình thức. Đồng thời tổ chức cho các hộ ký cam kết sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP từ sử dụng nguyên liệu đầu vào tới quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh để tăng trách nhiệm đối với mỗi sản phẩm làm ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần