Kinhtedothi - Ngày 1/12, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã tổ chức chiến dịch ra quân tăng cường xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera. Trong ngày đầu ra quân, các lực lượng chức năng đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm.
Thừa nhận khi đủ chứng lý
Việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera ghi lại đã được triển khai từ đầu năm 2015. Theo thống kê của Phòng CSGT, đến nay đã có hơn 2.000 trường hợp vi phạm bị xử lý, và hầu hết các trường hợp khi được cung cấp hình ảnh chứng tỏ hành vi vi phạm đều đã thừa nhận vi phạm và hứa không tái diễn.
Có mặt trên đường Xã Đàn, nơi tổ công tác của Đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ, chúng tôi ghi nhận, sau hơn 1 giờ đã có 4 trường hợp vi phạm bị xử lý. Ban đầu khi người vi phạm bị lực lượng CSGT dừng xe thông báo lỗi đều tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng có sự “nhầm lẫn”. Bởi vị trí bị dừng xe thông báo lỗi cách nơi vi phạm hơn 300m. Tuy nhiên, khi lực lượng CSGT cung cấp hình ảnh chứng tỏ hành vi vi phạm, toàn bộ người vi phạm bị dừng xe để xử lý tại chốt đã thừa nhận vi phạm và ký vào biên bản xử phạt hành chính, một hình ảnh khác hẳn với những ngày đầu Phòng CSGT tổ chức xử phạt qua camera cách đây gần 9 tháng.
Theo Thượng úy Vũ Đức Hùng – Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, sở dĩ người vi phạm “tâm phục, khẩu phục” là do đã biết đến biện pháp xử phạt này. Nhờ đó, đến thời điểm này, tình trạng người vi phạm “cãi chày, cãi cối”, bất hợp tác đã không xảy ra. Đơn cử, trường hợp của lái xe Nguyễn Ngọc Toàn, điều khiển xe ô tô BKS 30A – 457.32, khi qua nút Phạm Ngọc Thạch – Xã Đàn dù thấy đèn tín hiệu đã chuyển sang vàng nhưng vì vội, không thấy CSGT nên lái xe cố tình vi phạm. Thậm chí, khi bị dừng xe, anh Toàn vẫn chưa biết mình phạm lỗi gì. Chỉ đến khi nhận được thông báo lỗi từ hình ảnh, anh Toàn mới “đứng hình” và thừa nhận vi phạm.
Chưa phạt “nóng”, sẽ phạt nguội
Được biết, đối với việc xử lý vi phạm giao thông qua camera sẽ có 2 biện pháp xử lý. Một là, xử phạt tại chỗ. Hai là, gửi giấy thông báo vi phạm tới chủ phương tiện đối với những trường hợp không dừng ngay được xử lý. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tòng – Phó Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội nếu không xử phạt được tại chỗ, Phòng CSGT sẽ có văn bản gửi chủ phương tiện vi phạm, yêu cầu chủ phương tiện, đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm đưa phương tiện đã điều khiển vi phạm đến trụ sở công an để giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp phương tiện ở các tỉnh khác vi phạm tại Hà Nội, Phòng CSGT sẽ gửi thông báo sang Cục CSGT để phối hợp thông báo cho chủ phương tiện vi phạm tới làm việc.
Cũng theo đại diện Phòng CSGT, trong trường hợp cần thiết, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị người vi phạm công tác, học tập đề nghị phối hợp, xử lý theo quy định. Liên quan đến câu hỏi, lực lượng CSGT sẽ xử lý như thế nào đối với những phương tiện chưa đăng ký chính chủ. Thượng tá Nguyễn Văn Tòng cho biết, nếu chủ phương tiện không tới làm việc theo thông báo, Phòng CSGT sẽ gửi thông báo tới các cơ quan đăng kiểm dừng việc kiểm định, các đơn vị đăng ký biển số dừng việc chuyển đổi, cấp lại biển số cho phương tiện vi phạm. Ngoài ra, Phòng CSGT sẽ thông báo tới các lực lượng trực tiếp xử lý trên đường nếu phát hiện xe vi phạm thì sẽ xử lý. “Nếu không chịu nộp phạt, xe tiền tỷ cũng trở thành đống sắt vụn, bởi cứ ra đường, bị lực lượng CSGT phát hiện là sẽ bị phạt” – Thượng tá Tòng nhấn mạnh.
Cung cấp hình ảnh vi phạm là một trong những lợi thế từ xử lý vi phạm bằng camera.
|
Hiện Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông đang tổ chức ghi nhận hình ảnh từ hơn 450 camera giám sát được lặp đặt khắp các tuyến giao thông ở Thủ đô. Trong đó, các camera được chia làm 3 loại với những nhiệm vụ riêng biệt như camera đo đếm lưu lượng phương tiện, camera ghi nhận vi phạm giao thông, camera quan sát. |